Khám phá

Vẻ đẹp của bộ sưu tập linh vật dân gian Việt

Với niềm say mê, tâm huyết văn hóa dân gian Việt, chị Nguyễn Thị Tú Anh (Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh) đã dày công sưu tập suốt 20 năm qua để có được 100 con nghê được làm từ đủ chất liệu đá, gốm, gỗ, đất, đồng với đủ loại kích cỡ, màu sắc... 
Nghê là linh vật mang đặc trưng văn hóa Việt từ xa xưa và là biểu tượng của lòng trung thành, của trí thức. Nghê còn là sự thể hiện của quyền lực, sự tôn kính khi thường được đặt ở những nơi tôn nghiêm như đền, chùa, đình, miếu. 

Trong ngôi nhà của mình, những con nghê hàng trăm năm tuổi đã được chị Tú Anh bài trí ở khắp nơi, từ kệ tủ cho đến trên giá, hay các bậc cầu thang. Hiện chị có khoảng hơn 100 con nghê được làm từ đủ chất liệu đá, gốm, gỗ, đất, đồng với đủ loại kích cỡ, màu sắc... Về cơ duyên để có được bộ sưu tập nghê giá trị này, chị Tú Anh cho biết, nhờ từng là một hướng dẫn viên du lịch nên đã tạo điều kiện cho chị đi khắp mọi miền đất nước. Mỗi lần đưa du khách đến thăm các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền… nhìn những con nghê có vẻ đẹp cổ xưa đã khơi dậy trong chị một niềm đam mê với loại linh vật này. Chị hiểu được rằng, việc sưu tập nghê cũng là một cách để lưu giữ lại một phần văn hóa tâm linh trong tâm hồn của người Việt xưa.

Nghê thực sự là một biểu tượng thuần túy của người Việt khi nó còn đi vào lời ca dao: “Mỗi người đều có một nghề/Con công thì múa con nghê thì chầu”. Linh vật nghê chính là sự kết hợp của nhiều loài linh vật khác nhau, thể hiện sự mạnh mẽ, thông minh và nhanh nhẹn. Ở đây, nghê mang dáng vẻ của loài chó, nhưng lại có sự oai phong của sư tử, cũng như uy quyền, mạnh mẽ của rồng và phảng phất hình tượng của chim phụng, chim hạc.


Nghê là linh vật mang đặc trưng văn hóa Việt từ xa xưa.


Một con nghê sơn thếp vàng có tuổi đời 200 năm trong bộ sưu tập.


Con nghê quý hiếm có men màu lục nhẹ, có niên đại từ thời nhà Lý (thế kỷ 11).


Cặp nghê đời Trần (thế kỷ 13) làm bằng đất nung.


Con nghê có tuổi đời hàng trăm năm vẫn giữ được màu nguyên bản, mang giá trị bền vững của một loài linh vật độc đáo.


Cặp nghê tam thái (sơn 3 màu) bằng gốm Bát Tràng.


Một cặp nghê đặt ở cột đình trong bộ sưu tập.


Cặp nghê có công dụng để chặn giấy.


Nghê có dáng dấp của con sư tử.


Vảy rồng tạc trên một con nghê đá.


Những cặp nghê có chất liệu bằng gỗ.


Nghê thực sự là một biểu tượng thuần túy của người Việt.


Nghê mang dáng vẻ của loài chó, nhưng lại có sự oai phong của sư tử, cũng như uy quyền, mạnh mẽ của rồng
và phảng phất hình tượng của chim phụng, chim hạc.



Nghê là linh vật mang đặc trưng văn hóa Việt từ xa xưa, biểu tượng của lòng trung thành, của trí thức.

Theo chị Tú Anh thì: “Trong đời sống tâm linh, người Việt coi nghê cũng quan trọng cũng như rồng, phụng, vì nghê được coi là biểu tượng trí tuệ khi đội sớ, đèn, nến và được đặt ở những chốn thâm nghiêm, hay những nhà quyền quý. Bằng thực tế sưu tập, càng ngày tôi càng thấy mê khi biết được kỹ thuật chế tác nghê của cha ông luôn rất kỹ càng. Họ còn biết cách thả hồn vào trong đó, nên tính cách của những con nghê luôn ẩn chứa tính cách của chính người nghệ nhân tạo ra nó, có con thì mạnh mẽ, dữ dội, lại có những con trông rất hiền lành, phúc hậu…”. Ngoài ra, theo chị Tú Anh, nước sơn trên mỗi con nghê trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được màu nguyên bản, mang giá trị bền vững của một loài linh vật độc đáo.

Có thể nói, thời thịnh đạt nhất của linh vật nghê là từ thời Lý cho đến cuối thời Tây Sơn (thế kỷ 11 đến thế kỷ 18). Trong suốt tám thế kỷ, nghê được trọng dụng ở khắp mọi nơi, từ những nơi thâm nghiêm như cung điện, đình chùa, lăng miếu… cho đến cả trong những ngôi nhà dân dã; là vật không thể thiếu ở nơi tế tự. Trong các nhà thờ, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ khiến nghê cũng có mặt, vẫn được là biểu hiện của trí tuệ, khi được chạm khắc rất đẹp, dùng để chặn giấy; trong chùa có lúc lại được dùng để làm mắc áo cúng, hay ở những nhà quyền quý, cặp nghê được sử dụng để đứng hai bên cột nhà…

Chị Tú Anh giới thiệu với chúng tôi những cặp nghê có giá trị mà theo chị là rất đặc biệt như: cặp nghê bằng đất nung từ đời Trần, trên lưng có hai hũ như để trầm hương; cặp nghê từ thời Bảo Đại làm bằng sành Hương Canh… Năm 2007, bộ sưu tập nghê của chị từng được tham dự Festival Huế, một sự kiện văn hóa - du lịch tiêu biểu mang nhiều giá trị di sản của Việt Nam. Chị chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi bộ sưu tập nghê của mình được trưng bày trong không gian rất đẹp, ở thời điểm ý nghĩa và được đông đảo bạn bè quốc tế tham quan, cùng nhiều nhà sưu tập đến xem. Và nhờ dịp này, tôi được biết rất nhiều người Việt Nam vốn chưa biết đến nghê đã hiểu được linh vật dân gian Việt ngoài lân còn có nghê, một linh vật độc đáo mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt”./.

 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ve-dep-cua-bo-suu-tap-linh-vat-dan-gian-viet-120539.html


top