Với sự sáng tạo không giới hạn để tạo ra những con chữ uốn lượn và mang tính chiều sâu, vẽ chữ nghệ thuật hand lettering đang là bộ môn mới thu hút giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Theo anh Lê Quốc Sỹ, một trong những người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu và thực hành vẽ chữ nghệ thuật hand lettering cho biết, hand lettering phát triển theo xu hướng nghệ thuật vào những năm đầu thế kỉ 19 mang tính trang trí cao. Đến nay theo phong trào nghệ thuật hiện đại thì hand lettering được ứng dụng nhiều trong áp phích, quảng cáo, biểu trưng và bìa sách... Có nhiều người hiểu nhầm giữa tyography và hand lettering nhưng typography là nghệ thuật sắp đặt và ghép chữ trong in ấn, còn hand lettering là một loại văn bản được tạo ra bằng vẽ tay.
Ở Việt Nam hiện nay thì vẽ chữ nghệ thuật vẫn được xem là một bộ môn nghệ thuật mới nhưng cũng đã thu hút khá nhiều người trẻ quan tâm. Bắt đầu mở lớp dạy vẽ chữ nghệ thuật cơ bản từ năm 2016, anh Sỹ chia sẻ: "Mỗi năm tôi tổ chức khoảng 5-6 năm khóa, hầu hết là các bạn trẻ tham gia. Đến nay cũng khá nhiều người biết đến vẽ chữ nghệ thuật nên tôi mong muốn có thể mở những lớp chuyên sâu hơn nữa cho những người sử dụng vào trong công việc thiết kế".
Anh Lê Quốc Sỹ là một trong những người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu và thực hành vẽ chữ nghệ thuật hand lettering.
Anh Sỹ cho biết sau khi lên ý tưởng cho những chữ cần vẽ thì sẽ phải phác thảo bằng tay trước.
Vẽ chữ nghệ thuật đang được các bạn trẻ kết hợp với công nghệ đồ họa để tạo ra những ứng dụng mang tính thực tế cao.
Sau khi những bản vẽ được phác thảo bằng tay sẽ được người chơi đưa vào máy tính để phục vụ quảng cáo.
Anh Sỹ chia sẻ việc ứng dụng chữ nghệ thuật vào cuộc sống sẽ phụ thuộc rất nhiều
vào ý tưởng sao cho phù hợp với mục đích sử dụng.
Anh Lê Quốc Sỹ trong một buổi hướng dẫn vẽ chữ nghệ thuật cho các bạn trẻ đam mê bộ môn này ở Hà Nội. |
Để học vẽ chữ nghệ thuật, ban đầu người học phải sử dụng bút lông liền mực để tập vẽ các chữ theo bảng chữ cái Alphabet, rồi sau đó tập nối cái chữ cái vào với nhau để tạo thành cụm có nghĩa. Còn để tạo ra một tác phẩm vẽ chữ nghệ thuật hoàn hảo, đầu tiên người vẽ phải vẽ phác thảo chì trên giấy. Rồi sau đó dựa trên hình dáng chữ và mục đích sử dụng sẽ cách điệu, đánh bóng tăng tính chiều sâu và thẩm mỹ cho tác phẩm. Đây cũng là công đoạn khó nhất và đòi hỏi sự sáng tạo của người vẽ. Mỗi sản phẩm văn bản làm ra phải vừa đẹp, vừa phù hợp với mục đích sử dụng.
Đối với ứng dụng khác nhau sẽ có nhiều kiểu chữ khác nhau, ví như làm bức tranh treo tường, đôi khi chỉ cần làm màu và đóng khung là xong, tuy nhiên, giấy được dùng phải trơn và không bị sần để dễ dàng kiểm soát nét vẽ. Còn nếu để áp dụng vào trong thiết kế thì sau khi phác thảo trên giấy xong, người làm phải thực hiện công đoạn hậu kỳ trên máy tính bằng việc sử dụng các phần mềm để chỉnh sửa.
Đến nay, việc ứng dụng bộ môn vẽ chữ nghệ thuật ở Việt Nam được sử dụng chủ yếu trong việc làm logo, nhận diện thương hiệu, làm bìa sách hay thể hiện cá tính, sự sáng tạo trên các sản phẩm thời trang cho giới trẻ. Bên cạnh là một sở thích thông thường, vẽ chữ nghệ thuật còn giúp người yêu thích nó thư giãn sau một ngày làm việc và học tập căng thẳng./.
Những sản phẩm vẽ chữ nghệ thuật bằng tay của thành viên câu lạc bộ vẽ chữ nghệ thuật Hà Nội:
|
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ve-chu-nghe-thuat-xu-huong-moi-thu-hut-gioi-tre-178617.html