Văn hóa

Vang danh Nhơn Nghĩa Đường

Ngay từ thập niên 30 và 50 của thế kỷ XX, nhiều đội lân sư rồng đã được thành lập tại khu vực Chợ Lớn của Tp.HCM như như: Nhơn Nghĩa Đường, Liên Nghĩa, Thanh Liên, Liên Hữu .... Tuy nhiên, Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường là đoàn lâu đời nhất và đã truyền dạy cho bao thế hệ đam mê với bộ môn múa lân sư rồng ở Sài Gòn.
Màn múa mai hoa thung đặc sắc tạo ấn tượng mạnh với người xem. Ảnh: Thông Hải/VNP

Ngay từ thập niên 30 và 50 của thế kỷ XX, nhiều đội lân sư rồng đã được thành lập tại khu vực Chợ Lớn của Tp.HCM như như: Nhơn Nghĩa Đường, Liên Nghĩa, Thanh Liên, Liên Hữu .... Tuy nhiên, Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường là đoàn lâu đời nhất và đã truyền dạy cho bao thế hệ đam mê với bộ môn múa lân sư rồng ở Sài Gòn.

Sự ra đời của Nhơn Nghĩa Đường Việt Nam gắn liền với võ sư Lưu Hạo Lương. Năm 1936, võ sư Lưu Hạo Lương thành lập Đoàn lân sư Nhơn Nghĩa Đường để truyền dạy võ thuật Chu Gia Quyền. Võ sư Lưu Hạo Lương là đệ tử đầu tiên của võ sư Chu Bưu, một trong "Ngũ hổ nhà Chu" ở Tân Hội Trung Quốc. Vì vậy, ông lấy “Chu Quán” hai chữ đi đầu đặt tên là "Đoàn lân Chu Quán Nhơn Nghĩa Đường". 

Thời điểm đó, với 15 thành viên hoạt động của các đoàn lân sư không mấy sôi động, các thành viên tập võ, múa lân thường ngày, chỉ biểu diễn trong đêm giao thừa hoặc đi lễ chùa trong dịp Tết. Ngoài ra, thỉnh thoảng phối hợp với các hội quán để quyên góp tiền cho các bệnh viện, trường học, cứu trợ thiên tai hoặc làm từ thiện.

Ngày nay, Đoàn Nhơn Nghĩa Đường có khoảng 100 thành viên tuổi từ 15 đến 40, tập đều đặn mỗi ngày hăng say để phục vụ người dân những dịp lễ, Tết...

Các thành viên Nhơn Nghĩa Đường chuẩn bị trước buổi biểu diễn. Ảnh: Thông Hải/VNP

Tất cả thành viên trong Nhơn Nghĩa Đường đã làm việc chăm chỉ phấn đấu để đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, thêm vinh quang và danh tiếng. Đặc biệt là Võ sư Lưu Kiếm Xương sinh năm 1950 tại Chợ Lớn, chấp chánh trưởng môn Nhơn Nghĩa Đường từ năm 1971. Ông cho biết, những “tuyệt kỹ” đã đưa danh tiếng của Nhơn Nghĩa Đường lên đỉnh cao trong các đấu trường quốc tế về nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng, như: Sư tử hí cầu (Sư tử giỡn trái châu-Huy chương Đồng Giải Asean Indoor Games 2007 tại Macau-Trung Quốc); Múa Lân tốc độ (Huy chương Đồng Giải Múa Lân quốc tế lần 5 tại Phước Kiến-Trung Quốc; HCB Giải Vô địch châu Á lần 3 tại Bali-Indonesia). Ngoài các tiết mục biểu diễn tập thể thì các môn sinh của Nhơn Nghĩa Đường cũng đem vinh quang về cho đoàn Lân này, như võ sư Lưu Hoán Phi (sinh năm 1977, trưởng nam của ông Lưu Kiếm Xương) biểu diễn màn Lân leo cột cao 15m tại sân vận động quận 8 (ngày 6/1/2005, xác lập Kỷ lục Việt Nam 2005).

Kỷ lục thứ hai cũng do môn sinh biểu diễn là Cổ vũ thăng bình thập nhị thời lệnh (một người cùng lúc đánh 12 chiếc trống với tên gọi: Chúc mừng một năm thái hòa thịnh vượng”), do Giang Thông Vũ Trí (19 tuổi-thời điểm năm 2005) thực hiện trong chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần 2 ngày 14/8/2005 tại Công viên du lịch văn hóa Suối Tiên.

Những buổi biểu diễn của Nhơn Nghĩa Đường luôn thu hút người dân đến xem. Ảnh: Thông Hải/VNP 
Những tiết mục đặc sắc của Nhơn Nghĩa Đường. Ảnh: Thông Hải/VNP

Trải qua 86 năm thăng trầm, nhiều môn sinh của Nhơn Nghĩa Đường đi định cư ở nước ngoài và đã gầy dựng, phát triển bộ môn múa Lân-Sư-Rồng ở nhiều nước như: Mỹ, Úc, Pháp, Đức… Tất cả các đoàn Lân-Sư-Rồng hải ngoại này đều lấy tên là Nhơn Nghĩa Đường, nhằm nhắc nhớ nơi xuất phát của mình và quảng bá múa Lân-Sư-Rồng và võ học Việt Nam./.

  • Bài, Ảnh: Thông Hải/VNP  
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung


https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/vang-danh-nhon-nghia-duong-291151.html


top