Nghề làm guốc truyền thống Bình Nhâm ra đời cách đây khoảng hơn 100 năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và làm đẹp của con người.
Nghề làm guốc truyền thống Bình Nhâm (Tp. Thuận An, tỉnh Bình Dương) ra đời cách đây khoảng hơn 100 năm, từng vang danh một thời khắp Đông Nam Á với những đôi guốc bền đẹp và độc đáo.
Sản phẩm guốc Bình Nhâm đa dạng chủng loại và bắt mắt. Ảnh: Thông Hải/ Báo ảnh Việt Nam
Từ những năm 1900, theo dấu chân của những người di dân, guốc mộc đã bắt xuất hiện ở Nam Kỳ lục tỉnh. Thời ấy không phải ai cũng có điều kiện mặc đồ âu phục, đi giày Tây. Guốc mộc trở thành món “thời trang” bình dân đại chúng, từ nam phụ, lão ấu đều có thể mang guốc mộc. Tiếng guốc khua đầu ngõ báo hiệu nhà có khách hay người thân từ phương xa trở về. Thậm chí đối với nhiều phụ nữ, guốc mộc phải có tới tận 2-3 đôi, cái để mang đi chơi, cái để mang đi chợ...cũng là một cách để thể hiện sự “sang chảnh” theo quan niệm lúc bấy giờ.
Từ xưa cho đến nay, hình ảnh người phụ nữ Việt với đôi guốc mộc trong bộ trang phục truyền thống hay hình ảnh ông già Nam bộ mang guốc và búi tóc sau đầu với bộ trang phục bà đen đậm chất Nam bộ. Chính vì vậy mà đôi guốc mộc thân thiết với người dân Việt Nam từ xa xưa, từ trước khi giầy, dép băng da, bằng nhựa ra đời.
Nguyên liệu làm guốc thường là các loại gỗ xốp nhẹ, dễ xẻ và tạo dáng như: gỗ mít, xoài, dừa, trầm hương, thông,.. Nghệ nhân làm guốc để làm ra đôi guốc phải trải qua nhiều công đoạn: từ cây gỗ phải cưa khúc, bổ khổ sau đó cho vào máy xẻ; mài thô rồi định hình dạng của chiếc guốc; sau đó mài bóng, mài nhẵn và phun sơn; công đoạn cuối cùng là đóng đế và quai hay sơn trang trí tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Để cho ra được hình hài của từng chiếc guốc, từng cái gót, người Bình Nhâm mang chúng đi nung hút bớt nước trong thân gỗ để lúc ra thành phẩm đôi guốc sẽ nhẹ, người mang không cảm thấy nặng chân. Những chiếc lò sấy ở từng gia đình Bình Nhâm được đốt bằng củi khô và mạt cưa. Đợi thân guốc nguội, thợ chà láng sẽ giúp cho những dằm gỗ trên thân mất đi và công đoạn cuối cùng là sơn phết, đóng quai rồi ra thành phẩm hoàn chỉnh.
Những đôi guốc được mài, giũa công phu và tỉ mỉ.
Theo tiến trình thời gian, Bình Nhâm được xem là "kinh đô" nghề guốc mộc ở Việt Nam vì không chỉ là nơi cung ứng guốc cho các tỉnh Nam bộ, mà còn xuất khẩu cho các nước châu Âu.
Dần dà, khi có máy móc, những khâu cưa thân guốc, chà láng cũng được người thợ vận dụng để làm ra sản phẩm nhanh hơn. Bình Nhâm từng có một thời người làng làm quên ăn, quên ngủ để kịp đám ứng các đơn đặt hàng của khách.
Guốc có nhiều loại khác nhau như: Guốc mộc, guốc sơn, guốc vẽ khắc hoa văn. Dần dần với đòi hỏi từ khách hàng, các loại guốc ra đời ngày càng sáng tạo hơn, có sự kết hợp với các ngành nghề thủ công khác như: Nghề sơn màu, thêu tay, kết cườm tạo thành những đôi guốc có giá trị thẩm mỹ cao.
Nhờ chất lượng bền đẹp và mẫu mã phong phú, guốc gỗ Bình Nhâm dần khẳng định được tên tuổi trên thương trường. Người dân địa phương cũng không ngừng cải tiến sản phẩm khi kết hợp chúng với tranh sơn mài truyền thống, tạo nên những thành phẩm có hoa văn và màu sắc bắt mắt.
Guốc mộc Bình Nhâm rất được khách hàng ưa chuộng.
Guốc mộc vẫn tồn và phát triển tại nhiều thị trường là do sự nhạy bén, óc sáng tạo và sự năng động của những người thợ thủ công Bình Nhâm./.
Bài và ảnh: Thông Hải/ Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/vang-danh-guoc-moc-binh-nham-339898.html