Các loại hình nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam được các tác giả thế hệ trẻ minh họa bằng các bức hình trừu tượng, độc đáo nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa của người Việt
Trải dài từ hội họa, nghệ thuật biểu diễn đến văn học, triển lãm mang đến cái nhìn đa dạng về văn hóa dân gian- một loại hình văn hóa được thừa kế qua những câu chuyện, lời kể của ông cha. Chính sự gần gũi, linh hoạt, đời thường đã giúp văn hóa dân gian tồn tại và phát triển bền vững trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Giờ đây dưới lăng kính của các họa sĩ gen Z, văn hóa dân gian một lần nữa chuyển mình, linh hoạt thích nghi và khéo léo kết hợp với những câu chuyện của thời hiện tại.
Tuồng hay Hát Bội là một loại hình nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, kết hợp với nhiều yếu tố nghệ thuật như sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật, văn học, ca múa và võ thuật. Ấn tượng và bị thu hút bởi các yếu tố mỹ thuật mà Hát Bội đem lại từ các gương mặt được hóa trang, tô vẽ đến các bộ trang phục, mũ mão… “Bội Tự” và “Bội Ký” lần lượt được ra đời từ quá trình tìm hiểu của họa sĩ Vei Vei về bộ môn này. Với “Bội Tự” các thuật ngữ, biểu tượng đặc trưng của Hát Bội được minh họa dưới dạng con chữ. Nối tiếp sự ủng hộ của cộng đồng dành cho “Bội Ký”, “Bội Tự” là những tìm hiểu sâu hơn của Vei Vei về các vở Tuồng tiểu biểu và những thuật ngữ đã được giới thiệu trước đó.
Các tác phẩm mang đến cái nhìn đa dạng về văn hóa dân gian cho người xem
Vè nói ngược là nét đẹp trong văn học dân gian Việt Nam, là tiếng nói lời ca dành cho trẻ thơ được ông cha sáng tạo, đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bản sắc của vè nói ngược gần gũi với ngụ ngôn, có phong vị của thơ trào phúng kết hợp với chất trữ tình ngọt ngào vốn có của ca dao, rất phù hợp với tính hồn nhiên, ham hiểu biết của trẻ thơ. Vè nói ngược có đề tài muôn hình muôn vẻ, trải dài từ cây cỏ, loài vật đến sinh hoạt xã hội, các trò chơi con trẻ. Chọn bài “Bao giờ cho đến tháng Ba” làm cảm hứng chủ đạo để vẽ nên những hình ảnh minh họa dí dỏm, họa sĩ PAO đã mang đến cho khán giả trải nghiệm mới mẻ với thể loại văn học dân gian này. Qua những tác phẩm, những hiện tượng thú vị, “ngược đời” trong bài vè càng thêm phần tinh nghịch, ấn tượng.
Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian đã gắn liền với cuộc sống người Việt suốt nhiều thập kỷ. Xuất phát từ chính sinh hoạt đời thường của nhân dân, tranh Đông Hồ mang nét gần gũi, thân thuộc, phản ánh đời sống, tập tục tín ngưỡng đặc trưng cuae cư dân Đồng bằng Bắc bộ. Lấy cảm hứng từ những nét đẹp ấy, bộ tranh “Đông Mèo” của họa sĩ Meaptopia khắc họa những khoảnh khắc đầy vui nhộn, lém lỉnh cùng các “boss” mèo. Sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật dân gian truyền thống và góc nhìn hiện đại trẻ trung tạo nên mối tơ duyên mới, mang những giá trị truyền thống đến gần hơn với khán giả.
Triển lãm “Dân gian trong gen Z” được trưng bày trong không gian di tích Quốc gia Văn Miếu Quốc Tử Giám
Ông Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết, các tác phẩm cho thấy sức sống của văn hóa dân tộc như mạch nguồn chảy mãi dưới sự sáng tạo của các họa sĩ trẻ thế hệ gen Z. Qua đó đánh dấu sự tiếp nối và phát triển văn hóa dân tộc, nâng cao giá trị di sản qua mỗi thế hệ, góp phần làm phong phú và đa dạng vẻ đẹp văn hóa Việt Nam./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/van-hoa-dan-gian-qua-su-sang-tao-cua-the-he-gen-z-371828.html