Nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ảnh Việt Nam về thành phố Di sản Hà Nội.
Nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ảnh Việt Nam về thành phố Di sản Hà Nội.
Pv. Bích Vân: Một số trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với ông trong thời gian làm việc tại Hà Nội - thủ đô của Việt Nam là gì?
Ông Jonathan Wallace Baker: Tôi sang Việt Nam từ tháng 1/2024 với tư cách là Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, tính đến nay đã được gần 9 tháng. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng tôi đã có nhiều cơ hội được chứng kiến nhiều điều thú vị ở đây. Một trong những sự kiện đầu tiên là hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt Nam được biểu diễn tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nhân dịp Tết Nguyên đán 2024. Điều làm tôi ấn tượng nhất là tục dâng hương tổ tiên, vua chúa, cúng Táo quân hay làm bánh chưng ở kinh thành Thăng Long và một số nơi khác quanh kinh thành.
Trong bối cảnh xã hội chúng ta đang thay đổi nhanh chóng và đôi khi những tập tục văn hóa truyền thống bị lãng quên, việc chứng kiến những tập tục đó tại một trong những địa danh tâm linh nhất của đất nước các bạn vào thời điểm rất quan trọng - Tết Nguyên đán - mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Thứ nhất, tôi hiểu thêm về văn hóa Việt Nam với những tục lệ thường xuyên diễn ra ở Hoàng thành suốt hàng nghìn năm qua. Thứ hai, tôi cảm nhận được những giá trị của Hoàng thành Thăng Long, trái tim của Thủ đô và cũng là trái tim của đất nước Việt Nam xưa và nay. Tôi phải nói rằng UNESCO đã rất đúng khi công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Thế giới của UNESCO vì đối với tôi nó thậm chí còn xứng đáng hơn thế nữa. Các di sản vật thể và phi vật thể làm cho địa điểm này trở nên rất độc đáo. Chúng ta thường cảm thấy tràn đầy sinh lực khi đến thăm Hoàng thành, đặc biệt là vào những thời điểm đặc biệt như Tết Nguyên đán. Tôi hy vọng những giá trị của Hoàng thành Thăng Long sẽ được quảng bá nhiều hơn đến cộng đồng cũng như những tập tục văn hóa vật thể và phi vật thể của nơi này cũng được đầu tư hơn nữa cho công tác bảo tồn.
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam trả lời phóng vấn. Ảnh: Tư liệu UNESCO
Pv. Bích Vân: Ông thấy môi trường làm việc tại Hà Nội như thế nào và có ảnh hưởng đến công việc và quan điểm của Ông như thế nào?
Ông Jonathan Wallace Baker: Hà Nội là một thủ đô xinh đẹp với nhiều sông hồ. Dù gia đình tôi và tôi là người nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp ở khắp mọi nơi. Người Việt Nam rất tốt bụng và thân thiện với chúng tôi. Chúng tôi thường được người dân địa phương chào đón khi đi chơi. Dường như chúng tôi đã sống ở đây lâu rồi. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy an toàn khi sống ở đây, chúng tôi muốn khám phá thêm về Hà Nội, chẳng hạn như kiến trúc và thiết kế. Như bạn đã biết, Hà Nội là thành phố đầu tiên ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo về Thiết kế vào năm 2019. Các thiết kế trong thành phố cũng rất đáng kinh ngạc. Trên cương vị của mình, tôi muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và thành phố Hà Nội để đưa Hà Nội trở thành thủ đô sáng tạo của khu vực.
Pv. Bích Vân: Những khía cạnh nào của văn hóa và cuộc sống hàng ngày tại Hà Nội đã để lại ấn tượng sâu sắc cho ông và chúng đã tác động đến cách tiếp cận công việc của ông như thế nào?
Ông Jonathan Wallace Baker: Tôi nghĩ vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về thành phố Hà Nội, cả về hệ sinh thái xã hội và tự nhiên. Nói chung, tôi cảm thấy người Hà Nội rất điềm tĩnh và có xu hướng đề cao hòa bình trong hành vi và thái độ, điều này rất phù hợp với tầm nhìn của UNESCO là thúc đẩy xây dựng hòa bình trong tâm trí người dân, thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa. Điều này khiến tôi càng cảm thấy tự hào hơn về tổ chức và về công việc chúng tôi đang làm tại Việt Nam.
Năm 2010, UNESCO đã công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.
Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Pv. Bích Vân: Khi suy ngẫm về thời gian làm việc tại Hà Nội, ông tin rằng điều gì làm cho thành phố này trở nên độc đáo hơn so với các thành phố khác mà ông đã từng làm việc và sự độc đáo đó đã định hình trải nghiệm của ông như thế nào?
Ông Jonathan Wallace Baker: Tôi nghĩ điểm độc đáo của Hà Nội là sự pha trộn giữa các giá trị truyền thống và đương đại của xã hội. Như tôi đã nói trước đó, có những tập tục văn hóa truyền thống được thực hiện ở những nơi đặc biệt vào những thời điểm đặc biệt giúp mọi người nhắc nhở về công ơn của tổ tiên cũng như nguồn gốc và di sản mà các thế hệ đi trước để lại. Đồng thời, Hà Nội cũng cho thấy sự năng động, sáng tạo, đổi mới của thế hệ trẻ, những người rất năng động, nhiệt tình đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của thành phố. Đối với tôi, tất cả những điều này làm cho Hà Nội trở nên rất khác biệt.
P.v Bích Vân: Ông đánh giá như thế nào về hệ thống di sản vật thể và phi vật thể của thành phố Hà Nội nói chung và nói riêng? Theo ông người dân Việt Nam cần phải làm gì để cùng chung tay với chính phủ bảo tồn các di sản của thủ đô Hà Nội hôm nay?
Ông Jonathan Wallace Baker: Rõ ràng, Hà Nội là một thành phố phong phú về di sản, cả di sản vật thể và phi vật thể. Nhiều di sản đã được UNESCO công nhận, điều đó có nghĩa là chúng thể hiện những giá trị phổ quát nổi bật của nhân loại và là di sản của cộng đồng quốc tế.
Tôi kiến nghị người dân Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội hãy quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của thành phố Hà Nội, thông qua các chương trình giáo dục di sản hoặc các chương trình truyền thông để có thể chuyển giao những di sản độc đáo đó cho thế hệ tương lai, giúp họ hiểu về lịch sử cũng như giúp các di sản trở nên gần gũi hơn với cộng đồng.
Năm 2010, Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội)
đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Pv. Bích Vân: Ông ấn tượng nhất về di sản nào của Hà Nội mà ông đã từng trải nghiệm?
Ông Jonathan Wallace Baker: Hà Nội có rất nhiều di sản được UNESCO công nhận và các di sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Tôi sẽ khó có thể xác định được những di sản mà tôi thích nhất. Phải nói rằng tôi thích tất cả các di sản của Hà Nội như di sản vật thể Hoàng thành Thăng Long, di sản tư liệu Văn Miếu, di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Gióng ...
Pv. Bích Vân: Nếu gọi Hà Nội là thành phố di sản thì điều này với ông quý nhất ở điều gì?
Ông Jonathan Wallace Baker: Đúng là Hà Nội có một kho tàng di sản khổng lồ. Tôi đánh giá cao việc chính quyền thành phố và các cơ quan liên quan đang nỗ lực hết sức để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của thành phố, đặc biệt là trên trường quốc tế trong những năm gần đây.
Pv. Bích Vân:Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Ảnh: UNESCO và tư liệu Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/unesco-va-thanh-pho-di-san-ha-noi-381455.html