Thể thao

Tuyệt kỹ song bút

Những bậc thầy thời trước kể lại rằng có một môn đệ của môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà (Takhado) ở xứ Bình Dương, đồng thời cũng là nhà nho, một ngày nọ, khi đang ngồi viết các liễn đối cho bà con trong xóm nhân dịp Tết đến thì có tên trộm cắp bị dân làng rượt đuổi chạy tới, nhà nho - võ sĩ đó đã sử dụng luôn hai cây bút lông trong tay để chế ngự kẻ bất lương. Từ đó, cặp bút lông hay song bút trở thành một binh khí của môn võ trong hệ thống rất nhiều binh khí được lấy từ vật dụng thân thuộc hàng ngày.
Hiện nay trong hệ thống Võ cổ truyền Việt Nam, nhiều môn phái đều có bài võ về binh khí là cây bút, có thể là đơn bút hay song bút, tùy vào thể tạng của người sử dụng và đặc trưng của bài võ mà hình dáng cấu tạo cũng như trọng lượng của cây bút dùng làm binh khí cũng khác nhau.
    
Cây bút lông không thể gây sát thương cho đối phương, vì thế những người học võ đã cải tiến song bút thành hai thanh gỗ hay hai thanh kim loại tròn, hoặc bằng nhựa tổng hợp, có đầu nhọn giống như đầu cây bút lông để có thể tấn công hạ thủ được đối phương. Chiều dài mỗi cây bút dài từ 20-30cm, có cây dài đến 50cm, tùy theo bàn tay người sử dụng to hay nhỏ.
    


HLV Nguyễn Văn Thắng thể hiện bài song bút của môn phái Takhado rất có hồn và đẹp mắt.


Một thế thủ với song bút trong tay.


Cách cầm song bút cũng rất đặc biệt, vừa có thể tấn công tầm gần, vừa hỗ trợ phòng thủ.


Tùy vào thể trạng của người sử dụng mà có các loại song bút với kích thước và chất liệu phù hợp.


Song bút tấn công kết hợp với đòn chân quét hạ bàn.


Song bút cùng tấn công đâm vào đối thủ.


Người võ sĩ khi thi triển song bút phải thể hiện được nét tài hoa, uyển chuyển và có thần thái mới bộc lộ được hết cái hay cái đẹp của bài võ này.


Song bút vô cùng lợi hại vì sử dụng cả 2 tay cũng như chủ yếu tấn công vào các huyệt đạo của đối thủ.


Song bút kết hợp với cước pháp trong tấn công.

Song bút là một trong những loại binh khí rất khó luyện tập do tính đặc thù của nó, do đó các môn sinh phải có trình độ, luyện tập võ lâu năm, riêng trong môn phái Takhado thì từ hàng huấn luyện viên cao cấp và võ sư trở lên mới có thể tập có hiệu quả. Còn theo Tiến sĩ-Võ sư Hồ Tường (Trưởng tràng môn phái Takhado) cho biết thêm: Song bút chỉ tấn công vào các huyệt đạo trên cơ thể để chế ngự đối thủ, cho nên các huấn luyện viên cao cấp trở lên của Takhado mới được học về huyệt đạo, và khi kết hợp sử dụng binh khí song bút mới mang lại sự hiệu quả.
    
Được xếp loại binh khí ngắn, nhỏ gọn và nhẹ nên việc luyện tập song bút và thể hiện được hết những nét đặc trưng của bài võ này đòi hỏi người tập phải có sự nghiêm túc, nhẫn nại trong từng động tác. Đặc biệt, cây bút lông vốn dĩ dành cho giới văn sĩ vẽ tranh, viết chữ, làm thơ… nên người võ sĩ khi thi triển phải làm sao thể hiện được nét tài hoa, uyển chuyển và có thần thái mới bộc lộ được hết cái hay cái đẹp của bài võ này.
    
Song bút là loại binh khí ngắn, chỉ có thể tấn công hiệu quả khi cận chiến. Do vậy, trong trường hợp cận chiến, song bút trở nên vô cùng lợi hại vì sử dụng cả 2 tay cũng như chủ yếu tấn công vào các huyệt đạo. Khoảng cách xa là nhược điểm của song bút, nên người sử dụng binh khí này phải luyện tập kỹ thuật nhập nội thật tài ba thì mời sử dụng được một cách tốt nhất.
    


Song bút là binh khí ngắn nên chỉ khắc chế được một số binh khí ngắn khác như: dao găm, đoản côn, quạt…


Dùng bút để đỡ và ngăn cản đòn tấn công của của dao găm.


Một bút đỡ đòn tấn công của dao găm, một bút phản đòn tấn công vào huyệt đạo của đối thủ.


Dùng song bút tấn công vào phần thượng bàn của đối thủ.


Song bút đối kháng với đoản côn.


Một đòn tấn công bằng song bút rất hiểm vào phần cổ đối phương.

Song bút được truyền dạy cho các huấn luyện viên cao cấp trở lên trong môn Takhado. Một số huấn luyện viên và võ sư sử dụng thành công song bút có thể kể đến như HLV Nguyễn Văn Thắng và các võ sư: Đỗ Tiến Thành, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Hoàng Anh Khoa.../.
 
Bài: Sơn Nghĩa - ảnh: Nguyễn Luân

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tuyet-ky-song-but-249843.html


top