Văn hóa

Tuồng và tuổi trẻ học đường

“Có thể hiệu quả chưa cao nhưng cái được nhất của nó là đã làm cho các em biết được trong loại hình nghệ thuật truyền thống có bộ môn nghệ thuật tuồng”- đó chính là tâm sự của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hán Văn Tình, Trưởng đoàn 2 Nhà hát Tuồng Việt Nam, trong một buổi diễn tuồng giao lưu với các em học sinh trường THPT Xuân Đỉnh – Hà Nội.
Cùng chung cảnh ngộ “đìu hiu vắng khách” như một số loại hình nghệ thuật truyền thống chèo, cải lương,… tuồng truyền thống còn phải gánh thêm cái tiếng “xa lạ” bởi tính chất ước lệ, cách điệu và tính bi hùng với những đề tài mang tính kinh điển, ít gần gũi với cuộc sống đời thường. Dẫu biết vậy, nhưng những nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn miệt mài, thầm lặng với những chuyến lưu diễn thực tế tại các trường học, với một tâm niệm “mưa dầm thấm lâu” để từ đó có thể gây dựng trong lòng lớp trẻ tình yêu đối với một môn nghệ thuật đặc biệt của dân tộc.

“Thực sự khi chúng tôi đến diễn mới phát hiện ra là có nhiều em lần đầu tiên biết đến nghệ thuật tuồng truyền thống, và cũng rất ngạc nhiên là sau chương trình biểu diễn nhiều em còn xin được lên làm thử những động tác trong tuồng. Thậm chí, có trường lúc đầu một mực khăng khăng từ chối cho biểu diễn nhưng sau đó lại năn nỉ diễn thêm một đêm nữa…” - NSƯT Bích Tần, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam kể lại những kĩ niệm khó quên trong những lần về diễn ở các trường. Thế mới biết, con đường đưa tuồng đến với trường học, đến với các cháu học sinh cũng lắm gian nan, vất vả.
 

Một nghệ sĩ tuồng trang điểm ngay ngoài sảnh để giúp các em học sinh hiểu hơn về nghệ thuật vẽ “mặt nạ” tuồng.

Đến giờ diễn, cả sân trường gần như chật kín học sinh.

Mọi người chăm chú theo dõi trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”.

NSƯT Bích Tần và NSƯT Xuân Quý diễn trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”.

NSƯT Xuân Quý trong vai tướng Tiết Giao trong trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”.

Trong dàn nhạc truyền thống của nghệ thuật hát tuồng, trống là nhạc cụ rất quan trọng,
vì thế mà người xưa thường có câu “phi trống bất thành tuồng”.

Được biết, dự án “Sân khấu học đường” đã được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch triển khai từ năm 1999. Và người tiên phong trong dự án này chính là NSND Phạm Thị Thành, người được đánh giá là làm thay đổi diện mạo sấn khấu kịch Việt Nam trong 20 năm trở lại đây. Và tiếp nối dự án này trong những năm sau đó là Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Đã hơn 10 năm trôi qua, nhiều dư luận trái chiều cho rằng dự án này như “muối bỏ bể”, “ném đá ao bèo”, khó mà thành công được. Tuy nhiên, nói như Giáo sư Trần Văn Khê: “Cùng với dòng sữa nóng, lời ru của mẹ đi vào tiềm thức của trẻ nhỏ.”. Điều đó có thể hiểu rằng, văn hóa truyền thống không phải ngày một, ngày hai làm cho con người ta thích và hiểu ngay, nhưng khi nó đã đi vào tiềm thức rồi thì sẽ tồn tại vững bền mãi mãi.

Quay trở lại với buổi biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam tại trường THPT Xuân Đỉnh – Hà Nội. Bằng cách kết hợp khéo léo giữa hoạt động ngoại khóa và chương trình giao lưu văn nghệ, trường THPT Xuân Đỉnh đã mời các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam về biểu diễn giao lưu với học sinh. Buổi giao lưu đã thu hút rất đông các em học sinh ngồi xem gần chật kín cả sân trường. Ba trích đoạn được chọn để biểu diễn là: “Ông già cõng vợ đi xem hội”; “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” và “Ngũ biến”. Đây là những vở diễn dễ nghe, dễ hiểu và rất phù hợp với lứa tuổi học sinh.
 

Buổi biểu diễn đã để lại những cảm xúc khó quên với những trận nghiêng ngả...

Những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt.

Và cả những cánh tay mạnh dạn đưa lên xin được giao lưu với các nghệ sĩ.

Hai em học sinh hào hứng lên sân khấu diễn thử động tác cầm roi cưỡi ngựa theo sự hướng dẫn của các nghệ sĩ.

NSƯT Bích Tần hướng dẫn các em những động tác vũ đạo của tuồng.

Em Minh Thu, học sinh lớp 10D1 lắng nghe NSƯT Hương Thơm giải thích về nghệ thuật tuồng ngay tại phòng hóa trang.

NSƯT Hán Văn Tình, Trưởng đoàn 2 Nhà hát Tuồng Việt Nam chụp ảnh kỉ niệm với các em học sinh sau buổi diễn.

Suốt buổi biểu diễn, không khí có lúc im ắng, có lúc lại rộ lên những tràng pháo tay tán thưởng và những trận cười nghiêng ngả bùng nổ cả sân trường. Được tận mắt chứng kiến không khí ấy mới thấy rằng tuồng có một sức hút rất đặc biệt chứ không hẳn quá xa lạ và khó gần với lớp trẻ như nhiều người vẫn nghĩ.

Em Nguyễn Văn Sơn, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Xuân Đỉnh hào hứng cho biết: “Em rất thích đoạn trích “Ông già cõng vợ đi xem hội” vì nó rất hay và rất hài hước. Xem đoạn trích này, em biết được thêm về đời sống sinh hoạt ngày xưa”.

Và hình ảnh em Minh Thu, học sinh lớp 10D1 hối hả chạy theo các nghệ sĩ vào tận phòng trang điểm để hỏi thêm về nghệ thuật tuồng, dường như đã nói lên được phần nào tình yêu nghệ thuật truyền thống của lớp trẻ. Đó là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay không hề quay lưng với nghệ thuật truyền thống, và nghệ thuật truyền thống cũng không phải là cái gì đó quá xa lạ, quá khó gần đối với giới trẻ. Vấn đề là chúng ta phải biết tìm ra những phương thức phù hợp nhất để khơi gợi và thổi bùng lên tình yêu và ngọn lửa đam mê, vốn đã sẵn có trong mỗi trái tim của mỗi người mà thôi./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tuong-va-tuoi-tre-hoc-duong-32007.html


top