Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, Chùa Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) vẫn còn lưu giữ khoảng gần 100 pho tượng cổ làm bằng đất có giá trị tâm linh và thẩm mỹ cao.
Nằm cách Hà Nội khoảng hơn 30km, mất chừng hơn 40 phút chạy xe, du khách sẽ tới được chùa Nôm. Chùa Nôm còn có tên gọi khác là "Linh Thông cổ tự" bởi xưa ngôi chùa được dựng trong một khu rừng thông.
Chùa Nôm nằm tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Khuôn viên chùa Nôm nhìn từ lầu trống phía trái ngôi cổ tự.
Chính điện chùa Nôm còn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc của những ngôi chùa vùng Bắc bộ.
Hiện tại ở chùa Nôm có gần 100 bức tượng làm bằng đất;
đây là ngôi chùa có số lượng tượng thờ bằng đất lớn nhất ở Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên liệu dùng để nặn tượng là một loại hỗn hợp đặc biệt
gồm đất sét lọc sạch trộn với vôi tôi, mật mía, giấy bản nghiền nhỏ.... |
Qua cánh cổng lớn với lầu chiêng, lầu trống uy nghi bề thế là đến chính điện, hiện là nơi lưu giữ gần 100 pho tượng thờ cổ làm bằng đất. Các bức tượng thờ lớn, nhỏ bao gồm: tượng Bát bộ Kim Cương, Tứ đại Bồ tát, Thập bát La Hán, Tam Thánh .... Hiện tại chùa Nôm đang là ngôi chùa có số lượng tượng cổ bằng đất nhiều nhất Việt Nam.
Theo tài liệu các nhà nghiên cứu thì những bức tượng này được tạo ra ở thời Lý – Trần, cách khoảng ngàn năm. Thượng tọa Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa Nôm cho biết, những bức tượng đất này đã từng phải chịu nhiều tác động của thiên nhiên, thiên tai trong quá khứ. Những trận lụt lịch sử vào năm 1971, 1986 và gần nhất vào năm 2000 đã nhấn chìm những bức tượng bằng đất này dưới nước nhiều ngày. Điều kì lạ là tuy bị ngâm lâu ngày trong nước nhưng các bức tượng bằng đất ấy vẫn không hề bị hư hại.
Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ số tượng đất này không bị hỏng khi ngâm nước là do ngày xưa các nghệ nhân tài hoa đã sử dụng một loại nguyên liệu đất đặc biệt để nặn tượng. Đó là loại đất sét đã được lọc sạch tạp chất, sau đó trộn với vôi tôi, mật mía, giấy bản đã nghiền nhỏ để tạo nên một loại hỗn hợp đặc biệt. Sau khi hoàn tất việc tạo hình tượng, người xưa còn phủ ở phía ngoài bằng một lớp sơn ta để bảo vệ.
Cũng theo Thượng tọa Thích Đồng Huệ cho biết, vào năm 1997 người dân nơi đây đã sơn lại gần 100 pho tượng đất trong chùa, nhưng nước sơn ta hiện tại so với trước không bằng. Sắp tới chùa sẽ mời các nhà khoa học giúp phục chế lại nước sơn ban đầu nhằm giữ gìn giá trị thẩm mỹ vốn có của những pho tượng độc đáo này./.
Bức tượng Hộ pháp bằng đất với thần thái sinh động đặt tại chính điện chùa Nôm.
Dọc hai bên hành lang sau chính điện chùa Nôm là nơi đặt gần 100 bức tượng thờ bằng đất.
Hai bức tượng Bồ tát làm bằng đất phủ sơn ta ở chùa Nôm.
Những bức tượng Bát bộ kim cương ở chùa Nôm.
Những bức tượng Thập bát La Hán sinh động được thờ tại chùa Nôm.
Một trong hai bức tượng đất đắp nổi tại hai bên hồi chùa Nôm.
Một trong 4 bức tượng Tứ đại Bồ tát trong chùa.
Một trong 8 bức tượng Bát bộ Kim Cương làm bằng đất tại chùa Nôm. |
Bài & ảnh: Việt Cường
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tuong-dat-co-chua-nom-89779.html