Tin tức

Từ ngày 25/5, người dân đến Hà Nội phải khai báo y tế trong 24 giờ


Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chiều 24/5, tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng  Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đề nghị các địa phương của thành phố tiếp tục khẩn trương truy vết thần tốc với trách nhiệm cao nhất, không để lọt các trường hợp F1 và những trường hợp liên quan, nhất là không để mất dấu trong quá trình truy vết.

Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu, người dân các tỉnh, thành phố trên cả nước về Hà Nội từ ngày 10/5 đến 24/5 phải khai báo y tế bằng nhiều hình thức, làm xong trong ngày 25/5. Với những người trở về Hà Nội hoặc đến Hà Nội làm việc từ ngày 25/5 trở về sau phải khai báo y tế trong vòng 24 giờ.

Về chùm ca bệnh tại Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (số 2 phố Phạm Sư Mạnh, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) và tòa nhà Park 11 thuộc Khu đô thị Times City (quận Hoàng Mai), ông Chử Xuân Dũng cho biết, đến nay chưa thể khẳng định nguồn lây. Tuy nhiên, qua buổi làm việc với chuyên gia y tế và thực tế hiện trường, ông Dũng cho rằng nhiều khả năng chùm ca bệnh xuất phát từ chính tòa nhà T&T tại số 2 phố Phạm Sư Mạnh.

“Tòa nhà T&T có 462 cán bộ, nhân viên làm việc. Các trường hợp F0 thì đã rõ, các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung. Chính vì không xác định được mốc thời gian có F0 nên trước 20 giờ ngày 24/5 việc lấy mẫu các trường hợp F2 và gửi các mẫu này về CDC phải hoàn thành, không được chậm trễ. CDC phải vào cuộc khẩn trương và có kết quả ngay trong đêm 24/5”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Để giảm bớt khoảng cách thời gian giữa các lần xét nghiệm đối với các trường hợp F1, tránh nguy cơ các trường hợp này chuyển thành F0, gây lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất của Sở Y tế Hà Nội là tăng tần suất xét nghiệm từ 4 lần lên 6 lần, vào ngày thứ nhất, ngày thứ 4, ngày thứ 7, ngày thứ 14, ngày thứ 20 và ngày thứ 28 - sau khi người dân kết thúc cách ly tập trung 1 tuần).

Ông Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các địa phương của Thủ đô, đặc biệt là các Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, phải rà soát, kiểm đếm những nội dung theo phân cấp các đơn vị phải làm, từ đó quán triệt quyết liệt hơn nữa những công việc các bộ phận, các ngành của địa phương phải thực hiện. Các lực lượng cần phải vào cuộc tích cực, tránh việc văn bản từ Trung ương đến thành phố đã có đủ mà khâu tổ chức thực hiện vẫn hạn chế; cần thống nhất trách nhiệm của các đơn vị khi để lây lan dịch bệnh do chậm trễ điều hành.

Ông Dũng tiếp tục yêu cầu các cơ quan hành chính, các công ty, các tổ chức trên địa bàn thành phố thực hiện đúng nội dung Chỉ thị 12 của thành phố Hà Nội, quy định về khoảng cách, số lượng người tham gia khi tổ chức cuộc họp; hạn chế các cuộc họp trực tiếp, khuyến khích họp trực tuyến, phòng họp phải thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa trung tâm tại các tòa nhà, các khu liên cơ…; hạn chế việc tiếp khách của các cán bộ, công chức tại trụ sở làm việc; các bếp ăn tập thể tại cơ quan hành chính cần bố trí hợp lý, giảm số lượng người ăn cùng một thời điểm.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu siết chặt công tác quản lý tại các khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, khu công nghiệp, khu chung cư, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh đang điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.

Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch, các địa phương của Hà Nội cần rà soát, bảo đảm mỗi địa phương có ít nhất 1.000 chỗ cách ly cho các trường hợp F1; tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực có nguy cơ; tổ chức tập huấn cho sinh viên các trường y trên địa bàn thành phố, tạo nguồn nhân lực dự trữ, sẵn sàng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; chấn chỉnh hoạt động của tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, nhất là tại các khu chung cư.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh vào đặc điểm chung của chùm ca bệnh ở Công ty T&T (quận Hoàn Kiếm) và Park 11 Khu đô thị Times City (quận Hoàng Mai). Đó là nơi các ca dương tính với SARS-CoV-2 đang sinh sống, làm việc. Việc xuất hiện các ca dương tính sau thời gian cách ly tập trung cũng cho thấy, cần siết chặt hơn nữa việc quản lý người sau cách ly tập trung, đặc biệt là những người sinh sống, làm việc tại các nhà chung cư cao tầng. Bà Hà đề nghị thành phố chỉ đạo các địa phương lập danh sách theo dõi chặt chẽ, quản lý ngay các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung và trở về địa phương.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề xuất thành phố hoãn tổ chức Chiến dịch cho trẻ uống vitamin A thường quy vào ngày 1/6 để đảm bảo giãn cách và phòng, chống dịch.

“Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 theo đề xuất của thành phố Hà Nội. Đề nghị các địa phương, lực lượng tuyến đầu tổng hợp danh sách để kịp thời hỗ trợ, tính từ ngày 1/5”, bà Hà cho biết.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội nhận định, dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao do xuất hiện ổ dịch mới tại Công ty T&T và tòa Park 11 Khu đô thị Times City chưa xác định được nguồn lây; tại ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì) và trong khu cách ly tiếp tục xuất hiện các ca mắc mới; tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp (nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội).

Bên cạnh đó, hiện có 2 bệnh viện của thành phố tiếp nhận điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nên có thể có lây nhiễm cho cán bộ y tế; kết quả giải trình tự gen của 17 mẫu bệnh phẩm đều là chủng gây bệnh ở Ấn Độ, có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Hiện tại, mầm bệnh đã tồn tại ngoài cộng đồng nên thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới. Một số địa phương có nguy cơ cao là các quận Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, các huyện Gia Lâm,Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Phúc Thọ,…, trong đó cần lưu ý tới nguy cơ tại khu chung cư, các tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 122 ca mắc tại 19 quận, huyện có liên quan đến các chùm ca bệnh mới phát sinh và các chùm ca bệnh cũ. Cụ thể: Chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty T&T và Park 11 Times City (15 ca F0); chùm ca bệnh nhập cảnh người Ấn Độ tại Park 9 Times City, quận Hoàng Mai (2 cà F0 trong cùng một gia đình, 6 trường F1 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2); ca bệnh liên quan đến chùm ca bệnh tại Hải Dương (1 ca F0, 7 trường hợp F1, trong đó 6 ca đã có kết quả âm tính, 1 ca chưa có kết quả); ca bệnh là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (7 trường hợp F1 là nhân viên y tế cùng kíp trực). Ngoài ra, Hà Nội còn có 2 chùm ca bệnh cũ vẫn phát sinh thêm ca mắc mới, đó là chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Đà Nẵng và chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Ban Chỉ đạo nhận định, chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty T&T và Park 11 Times City là chùm ca bệnh rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan do tại đây có rất nhiều người làm việc, sinh sống. Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ. Do đó, Ban Chỉ đạo nhận định, trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian mà các ca bệnh ở ngoài cộng đồng khá dài, họ đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người./.

TTXVN/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/tu-ngay-25-5-nguoi-dan-den-ha-noi-phai-khai-bao-y-te-trong-24-gio-261864.html


top