Chân dung

“Tư lệnh” quân y 103 và dấu ấn trong lịch sử ghép tạng Việt Nam

Khoác trên mình hai màu áo, bởi vậy trong con người Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân (PGS.TS.TTND) Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, luôn tồn tại hai tinh thần, đó là sự quả cảm của một người lính áo xanh và trái tim nhân hậu của người thầy thuốc khoác áo blu trắng. Cuộc đời người thầy thuốc đáng kính này gắn với những ca phẫu thuật lịch sử của ngành ghép tạng Việt Nam.
Ngành ghép tạng của Việt Nam đã được ghi nhận từ ca ghép thận thành công đầu tiên cách đây hơn 1 thập kỷ. Thế nhưng, ngày 1/3/2014, ngành ghép tạng Việt Nam lại chứng kiến thêm một sự kiện mang tính lịch sử mới, đó là ca ghép đa tạng (thận – tuỵ) đầu tiên được thực hiện thành công, đánh dấu một nấc thang mới cho ngành ghép tạng của Việt Nam. Đây là một kỹ thuật rất phức tạp và hiện cũng chỉ có một số nước trên thế giới thực hiện được.
 
Bởi vậy, chúng tôi đã tìm gặp Thiếu tướng Hoàng Mạnh An, người “tư lệnh” của ca mổ lịch sử này để được nghe, được hiểu những khó khăn và bản lĩnh của người đã tạo nên nấc thang mới cho ngành ghép tạng Việt Nam.

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An – vị “tư lệnh” của ca mổ cho biết, người được ghép đa tạng là Thượng úy Phạm Thái Huyên, chiến sĩ đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La. Anh Huyên bị đái tháo đường biến chứng nặng dẫn đến suy thận độ 2, không kiểm soát được đường huyết, thường xuyên ngất xỉu và phải nhập viện điều trị nội trú. Vì thế, ông đã cùng với tập thể các chuyên gia giỏi của Bệnh viện 103 xây dựng ba phương án cho ca phẫu thuật quan trọng này đó là: mời các chuyên gia của Nhật và Bỉ sang Việt Nam thực hiện ca ghép tạng ngay khi có nguồn tạng hiến tặng; liên kết với các trung tâm ghép tạng hàng đầu của cả nước cùng thực hiện; và phương án cuối cùng là trực tiếp đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện 103 tự thực hiện ghép tạng.


PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103,
chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Thiếu tướng Hoàng Mạnh An chủ trì một cuộc họp giao ban chuyên môn tại Bệnh viện Quân y 103. 

Ảnh: Tư liệu


Thiếu tướng Hoàng Mạnh An tham gia hiến máu tại ngày hội hiến máu tình nguyện. Ảnh: Tư liệu


PGS.TS Hoàng Mạnh An trong chuyến đi khám chữa bệnh
cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tại xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. 
Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn chưa chủ động được nguồn tạng. Bởi vậy, khi may mắn có được nguồn tạng hiến tạng từ một người bị chết đột ngột do tai nạn giao thông đang cấp cứu tại Bệnh viện, phương án 1 đã không thể thực hiện được bởi thời gian chờ đợi quá lâu, nguồn tạng sẽ không còn dùng được nữa. Thế nhưng nếu không có chuyên gia nước ngoài theo kế hoạch thì sẽ vô cùng khó khăn và mạo hiểm. Bởi ghép thận – tụy là một trong những ca ghép khó khăn nhất của ghép đa tạng. Đứng trước thực tế đó cam go ấy, PGS Hoàng Mạnh An đã đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo, đó là thực hiện theo phương án 3, tức là đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện 103 sẽ tự thực hiện ca ghép này.

Hai tình huống được đưa ra khi quyết định mổ đó là: nếu ca ghép thành công, bệnh nhân có cơ hội cứu sống; còn nếu ca ghép không thành công thì bệnh nhân sẽ thường xuyên phải nhập viện, chạy thận nhân tạo và có thể tử vong bất cứ lúc nào. “Xác định được điều đó nên chúng tôi vào ca mổ với quyết tâm không phải 100% mà là 120%. Vì nếu thất bại chúng tôi sẽ không thể ghép được ca thứ hai!”, PGS Hoàng Mạnh An tâm sự.

Có lẽ với chính tinh thần trách nhiệm cao độ cùng với mong muốn người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường như bao người nên PGS Hoàng Mạnh An cùng kíp mổ gồm 150 y bác sỹ của Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công ca mổ lịch sử sau đúng 13 tiếng đồng hồ (từ 3h sáng đến 16h chiều cùng ngày). Kết thúc ca mổ, cả kíp mổ như muốn vỡ òa trong niềm vui sướng.

Thế nhưng áp lực chưa dừng lại ở đó, 3 ngày sau ca mổ, sức khỏe của anh Huyên bắt đầu xuất hiện những diễn biến xấu như: viêm tụy cấp, men tụy tăng tiết, màng bụng, khoang màng phổi có dịch….

Trước tình hình ấy, bệnh viện đã phải phân công kíp trực lớn thường xuyên túc trực bên giường bệnh. Công việc hội chẩn diễn ra dường như hàng ngày. PGS Hoàng Mạnh An nhớ lại: “Suốt 3 tháng sau hậu phẫu, các bác sĩ làm việc rất căng, lúc nào cũng túc trực 24/24 bên giường bệnh. Nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ, bệnh nhân tử vong là bao công lao thực hiện ca ghép đổ xuống sông xuống bể.”.



PGS.TS Hoàng Mạnh An trong một ca phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Trịnh Văn Bộ


PGS,TS Hoàng Mạnh An trực tiếp thực hiện một ca ghép thận tại Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Trịnh văn Bộ


Ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103. 
Ảnh: Tư liệu


PGS.TS Hoàng Mạnh An thăm hỏi bệnh nhân vừa trải qua ca ghép tạng. Ảnh: Tư liệu


Mặc dù rất bận rộn với công việc chuyên môn và quản lý
nhưng ông vẫn luôn dành thời gian theo dõi sát sao tình hình các bệnh nhân đang điều trị tại Viện. Ảnh: Tư liệu

Khi nghe PGS Hoàng Mạnh An kể lại quá trình thực hiện ca mổ, chúng tôi có cảm giác đó chính là một trận đánh với vị “tư lệnh” chính là PGS Hoàng Mạnh An, còn các y bác sỹ khác là những sĩ quan, chiến sĩ đang chiến đấu trên mặt trận y học để giành lại cuộc sống cho người bệnh. Vì thế mọi diễn biến của ca mổ đều diễn ra hết sức nghiêm ngặt, kỉ luật theo đúng tác phong và kỉ luật của người lính.

Sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, ca ghép đa tạng đầu tiên này cũng đã thành công, đem lại niềm tự hào không chỉ của đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Quân y 103 mà còn của cả ngành Y tế Việt Nam. Một niềm tự hào chứa đầy giá trị nhân văn, mà trong đó người khởi nguồn cho những giá trị này không ai khác chính là Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Mạnh An.

Trước đó, năm 2010, ông cũng đã tổ chức và tham gia thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam. Ca ghép này cũng đã tạo nên một mốc son quan trọng đánh dấu sự phát triển không ngừng của ngành ghép tạng Việt Nam.

Hai màu áo trên hai cương vị, dù là người lính hay người bác sĩ, PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Mạnh An đều để lại những dấu ấn trong lòng đồng nghiệp và bệnh nhân. Dấu ấn đó chính là tài năng, tâm huyết và cả cái chất lính đầy mạnh mẽ, quyết đoán luôn sục sôi trong dòng máu của ông./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trịnh Văn Bộ & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tu-lenh-quan-y-103-va-dau-an-trong-lich-su-ghep-tang-viet-nam-91850.html


top