Chân dung

TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên và thành tựu vắc xin “made in Vietnam”

Chuyển giao thành công công nghệ vắc xin viêm não Nhật Bản thế hệ 1 đã cứu sống hàng chục triệu trẻ em Việt Nam, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên tiếp tục nghiên cứu thành công vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero (thế hệ 2). Thành công đã đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ này, góp phần không nhỏ vào thành tựu trong nền y học dự phòng của Việt Nam.



1.Việt Nam là nước nằm trong vùng có lưu truyền bệnh viêm não Nhật Bản cao theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bởi vậy, trước kia khi chưa có vắc xin viêm não Nhật Bản, mỗi năm có 3000 – 4000 ca trẻ em mắc bệnh. Tỷ lệ tử vong từ 20 – 30 %. Tỷ lệ còn sống bị ảnh hưởng di chứng hệ thần kinh cao như: điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân,… Những hệ lụy này đã gây ra bao nỗi đau cho các gia đình, tổn thương tinh thần, vật chất cho xã hội.

Năm 1989, WHO đã đồng ý cho Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản. Bác sĩ Huỳnh Thị Phương Liên khi đó được lựa chọn cử đi học ở Nhật Bản một tháng về công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản ở Viện BIKEN thuộc Trường Đại học Osaka, Nhật Bản.

TTND.GS.TS. Huỳnh Phương Liên nhớ lại: “Đó là một cuộc chạy đua vô cùng gấp rút. WHO muốn chúng tôi dành thời gian thâm nhập để nắm sơ qua về tình hình. Nhưng chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 1 tháng ở Nhật. Thời gian quá cấp bách nên phía Nhật nghĩ rằng chúng tôi chỉ cưỡi ngựa xem hoa, vì các nước khác cứ một nhóm 5-6 người học trong vài tháng rồi lại về để nhóm khác tiếp tục sang học”.

Tưởng chừng là cuộc dạo chơi “cưỡi ngựa xem hoa”, bởi chỉ có một tháng để xem toàn bộ quy trình chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản. Việc có thể sản xuất thành công vắc xin là điều không tưởng. Đó là chưa nói đến, bối cảnh Việt Nam năm 1989 thiếu thốn cơ sở vật chất.

TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên đã chuyển giao thành công công nghệ vắc xin viêm não Nhật Bản thế hệ 1 đã cứu sống hàng chục triệu trẻ em Việt Nam. Ảnh: Tư liệu VABIOTECH

TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên góp phần không nhỏ vào thành tựu trong nền y học dự phòng của Việt Nam. Ảnh: Công Đạt
TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên đón nhận danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ảnh: Tư liệu VABIOTECH

TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên tham gia một hội thảo của Hội Nữ Trí thức Việt Nam. Ảnh: Việt Cường

Thế nhưng đến năm 1990, bác sĩ Huỳnh Phương Liên và đồng nghiệp đã sản xuất thành công vắc xin viêm não Nhật Bản. Đến năm 1992, vắc xin viêm não Nhật Bản bắt đầu được thử nghiệm với trẻ em, đáp ứng miễn dịch 100% so với vắc xin của Nhật Bản.

Để khẳng định chất lượng và tính an toàn, vắc xin sau đó đã được đưa sang Nhật để kiểm định. Kết quả, các chuyên gia Nhật Bản đánh giá vắc xin do Việt Nam sản xuất có chất lượng tương đương, đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản. Kết quả này đã khiến nhiều chuyên gia quốc tế ngỡ ngàng. “Các chuyên gia Nhật Bản đã chúc mừng chúng tôi, chúc mừng Việt Nam trong niềm hạnh phúc vỡ òa”, TTND.GS.TS. Huỳnh Phương Liên nhớ lại.

Năm 1997, vắc xin viêm não Nhật Bản của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO và được Bộ Y tế chính thức đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hàng chục triệu trẻ em Việt Nam đã được bảo vệ. Tỷ lệ hiệu quả của vắc xin đạt đến 97,75%. Tính đến năm 2015, tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ em Việt Nam giảm chỉ còn 5 - 10%/năm. Đặc biệt nữa, giá thành của vắc xin này chỉ bằng 20% giá thành vắc xin nhập khẩu. Bởi vậy, vắc xin viêm não Nhật Bản là vắc xin đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu, hơn 5,4 triệu liều sang thị trường Ấn Độ.

2. Năm 2005, WHO quyết định dừng lưu hành vắc xin viêm não Nhật Bản thế hệ 1 do có tỉ lệ 1/500 nghìn đến 1/1 triệu trẻ em gặp biến chứng khi tiêm. Tiếp đó, WHO khuyến cáo sẽ từng bước thay thế vắc xin viêm não Nhật bản có nguồn gốc từ tế bào.

Sau đó, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên, khi đó đang ở tuổi 66, quyết định đi tắt đón đầu, nghiên cứu sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero (vắc xin viêm não Nhật Bản thế hệ 2). Nguồn kinh phí lúc đó chỉ khoảng 600 triệu đồng (đề tài cấp Bộ). Quãng thời gian đó không có bất cứ tài liệu gì, không đi học hỏi kinh nghiệm của nước nào, ngoài kinh nghiệm làm vắc xin thế hệ 1 và các công nghệ sản xuất vắc xin khác. Những nghiên cứu đều âm thầm tự làm.

Năm 2009, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên bắt đầu báo cáo sơ bộ về kết quả nghiên cứu, khiến phía Nhật Bản rất ngạc nhiên. Có người còn hỏi bà: “Việt Nam nghiên cứu từ bao giờ mà lại có vắc xin thế?”. Khi đó bà đã trả lời: “Năm 2012 sẽ hoàn thành và sẽ có vắc xin”.

Năm 1997, vacxin VNNB của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO và được Bộ Y tế chính thức đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng giúp cứu sống hàng chục triệu trẻ em Việt Nam. Ảnh: Công Đạt

Nhà máy sản xuất vắc xin của Công ty VABIOTECH. Ảnh: Công Đạt

Việt Nam vẫn sản xuất thành công vắc xin viêm não Nhật Bản trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Ảnh: Công Đạt
Quy trình đóng gói vắc xin viêm não Nhật Bản của công ty VABIOTECH. Ảnh: Công Đạt

Hiện TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên là chuyên gia cao cấp của công ty VABIOTECH, một công ty sản xuất vắc xin hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Công Đạt
Kho bảo quản sinh phẩm sản xuất vắc xin của công ty VABIOTECH. Ảnh: Công Đạt
Năm 1997, vắc xin viêm não Nhật Bản của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO và được Bộ Y tế chính thức đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng đã cứu sống hàng chục triệu trẻ em Việt Nam. Ảnh: Công Đạt

Ngày 12/2/2012, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên đã bảo vệ xuất sắc đề tài cấp Bộ sau 5 năm kiên trì nghiên cứu. Đề tài có tên “Nghiên cứu phát triển vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất trên tế bào vero”. Đây chính là vắc xin viêm não Nhật Bản thế hệ 2 sẽ thay thế vắc xin thế hệ 1 theo khuyến cáo của WHO.

Sản phẩm này đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng trên người. TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên tiếp tục được đề cử làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tính an toàn và tính sinh miễn dịch trên người của vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất trên tế bào vero” JECEVAX Vabiotech, Việt Nam.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn III sau tiêm 2 liều đạt 99,6% đáp ứng kháng thể và sau 1 năm tiêm bổ sung liều 3 là 100% đối tượng có đáp ứng kháng thể. Vắc xin JECEVAX rất an toàn, dung nạp tốt trên người lớn và trẻ em. Đề tài đã chính thức được nghiệm thu từ Hội đồng KHCN cấp Nhà nước, tháng 1/2019. Hiện nay, vắc xin đang chờ Bộ Y tế cấp phép để đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 trên thế giới có được công nghệ này, sau Áo, Nhật Bản và Trung Quốc.

3. Trước đó, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên đã được biết đến là người sản xuất vắc xin ngay trong chiến trường. Năm 1966, bác sĩ Huỳnh Thị Phương Liên được giao nhiệm vụ lên đường vào miền Nam sản xuất 3 loại vắc xin tả, thương hàn, đậu mùa theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch lúc bấy giờ để chống chiến tranh vi trùng.

Khi vào đến nơi, được tin đơn vị bị máy bay B52 xóa sạch. Ở nơi mới chuyển đến này, nhiệm vụ của bác sĩ Phương Liên là phải sản xuất ra được vắc xin thương hàn, tả, đậu mùa. Song hoàn toàn không có phòng thí nghiệm, dụng cụ phục vụ cho nghiên cứu cũng không có gì, dù chỉ là một chiếc ống PET.

Vậy mà, sau đó, cái tạm gọi là một phòng thí nghiệm giữa chiến trường cũng được dựng lên. Bác sĩ Phương Liên cùng đồng đội căng dù trắng, xung quanh bọc bằng nilong, trông hệt như một phòng thí nghiệm bình thường.

Bác sĩ Huỳnh Thị Phương Liên đang sản xuất vắc xin tại chiến trường. Ảnh: tư liệu VABIOTECH

Sau nhiều nỗ lực, vắc xin tả, thương hàn, đậu mùa cũng ra đời, được đóng vào ống, dán nhãn kiểm định chất lượng đầy đủ, đem đi cung cấp cho bà con vùng giáp ranh giữa địch và ta ở khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. 

Hoàn thành nhiệm vụ, nhưng bác sĩ trẻ Phương Liên, từ một cô gái tuổi đôi mươi có nước da trắng, mái tóc đen dài khi vác balo vào chiến trường, sau 6 năm ở nơi núi thẳm, rừng sâu cùng những cơn đói, sốt chỉ còn vỏn vẹn 31kg. Tháng 3/1972, bác sĩ Phương Liên được đưa ra Bắc để chữa bệnh và tiếp tục được cho đi học nâng cao.

Ngày 13/11/2020 ở tuổi 80, GS.TS.TTND Huỳnh Thị Phương Liên đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 - 2019, đã làm nên những kỳ tích cho y học nước nhà

Giờ đây, ở tuổi 80, mắt đã không còn tinh tường và việc di chuyển đã bị hạn chế hơn rất nhiều, nhưng dù nắng hay mưa, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên vẫn có mặt tại phòng làm việc đúng giờ. Bà chia sẻ, những điều bà làm “không có gì là kỳ tích. Tôi chỉ làm tròn nhiệm vụ của mình với tất cả tinh thần và trách nhiệm, một khi đã làm chỉ nghĩ đến việc cống hiến hết mình, bằng tất cả nhiệt huyết và đam mê”./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ttndgsts-huynh-thi-phuong-lien-va-thanh-tuu-vac-xin-made-in-vietnam-292379.html


top