Chân dung

TS Nguyễn Thụy Anh và câu chuyện lớn lên cùng con

12 năm nỗ lực giúp trẻ em coi đọc sách là hoạt động cá nhân yêu thích, tự nguyện và hình thành một thói quen cả đời, Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, vừa qua đã được Tạp chí Forbes bình chọn top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.
Sau 17 năm sinh sống và học tập tại Nga, TS Thụy Anh trở về Việt Nam với nhiều bỡ ngỡ trước sự “thay da đổi thịt” của quê hương. Tuy nhiên, điều khiến TS Thụy Anh bỡ ngỡ và trăn trở hơn đó những lo lắng, tâm tư của các bậc phụ huynh trong hành trình giáo dục con cái. 

Với trách nhiệm và một trái tim nóng trong vai trò của một nhà giáo dục được đào tạo tại trời Tây, TS Thụy Anh đã nghĩ mình phải làm một việc gì đó để hỗ trợ cho hành trình làm cha mẹ của chính những người bạn của chị. 

Năm 2010, CLB Đọc sách cùng con ra đời sau trăn trở này. Slogan của CLB cũng đã thể hiện rõ sứ mệnh và mong muốn của người sáng lập: “Đọc sách cùng con – lớn lên cùng con”. 

Buổi sinh hoạt đầu tiên, CLB đã nhận được sự đăng ký tham gia của 200 gia đình, một con số ngạc nhiên với cả người tổ chức. Kể từ đó, CLB Đọc sách cùng con đã trở thành “mái nhà chung” của các gia đình. 

TS Nguyễn Thụy Anh, vừa qua đã được Tạp chí Forbes bình chọn top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Ảnh: Công Đạt

CLB Đọc sách cùng con hiện nay đã trở thành ngôi nhà thân thương của các em nhỏ. Ảnh: Công Đạt

Những chi tiết thiết kế tại CLB Đọc sách cùng con đều thân thiện với môi trường và phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Ảnh: Công Đạt

Tại đây có rất nhiều những cuốn sách quý thuộc nhiều thể loại cho các em nhỏ. Ảnh: Công Đạt

  Một góc không gian CLB đọc sách cùng con. Ảnh: Công Đạt  
TS Nguyễn Thụy Anh đang sinh hoạt cùng các bạn nhỏ tại CLB. Ảnh: Công Đạt
  Với kiến thức giáo dục, TS Thụy Anh mong muốn chia sẻ, giải đáp những trăn trở, những lo lắng, tâm tư của các bậc phụ huynh trong hành trình giáo dục con cái. Ảnh: Công Đạt
Các buổi đọc sách diễn ra đều đặn hàng tuần, mặc dù lúc này CLB vẫn chưa có địa điểm cụ thể, các buổi sinh hoạt phải tổ chức linh hoạt tại các địa điểm khác nhau. Nhưng những khó khăn đó không ngăn được bước chân của nhà giáo dục Nguyễn Thụy Anh. 

Trong những buổi đọc sách đó, các cấp độ đọc sách được TS Thụy Anh lên kế hoạch chương trình rất chi tiết. Từ đọc sách theo chủ đề, các buổi đọc sách lớn với sự tham gia của các khách mời, các nhà văn, nhà thơ,… vừa tạo động lực giúp các bạn nhỏ đến gần hơn với sách, vừa khơi gợi cảm xúc, khích thích trí tưởng tượng cho các bạn nhỏ mạnh dạn, tự tin sáng tạo theo cách của mình.

Năm 2014, CLB Đọc sách cùng con được Hội đồng Giám khảo Quốc tế lựa chọn là Mô hình hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ Giải thưởng mô hình hoạt động Hiệu quả lần thứ 10, giải thưởng Quốc tế Dubai.

TS Thụy Anh đã thiết kế, nghiên cứu và thử nghiệm để xác lập được một quy trình vận hành các CLB , đưa chương trình vào tập huấn cho giáo viên, phụ huynh tại các trường, hướng dẫn viên các CLB ở hầu hết các huyện của một số tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quãng Ngãi, Thái Bình, Hà Giang,… Các dự án đã được TS Thụy Anh triển khai có thể kể đến như: Tầm nhìn thế giới, Không gian đọc, Cơm có thịt, Tri thức và ước mơ, Sách cho em,…

Từ tháng 10/2014 – 10/2015, TS Thụy Anh đã tập huấn cho 368 thầy cô giáo tại Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quảng Bạ, Yên Minh (Hà Giang), đồng thời cộng tác và chia sẻ mô hình với nhiều cơ sở mầm non, trường tiểu học và trung học cở sở tại Hà Nội.

  TS Nguyễn Thụy Anh đang trao đổi cùng một phụ huynh trong ngày thơ Việt Nam 2018. Ảnh: Tư liệu NVCC
  TS Nguyễn Thụy Anh đang giảng dạy cho các học sinh người Việt tại CHLB Đức. Ảnh: Tư liệu NVCC
TS Nguyễn Thụy Anh trong một workshop làm quen với tiếng Ba Lan tại Viện Goethe. Ảnh: Tư liệu NVCC

TS Nguyễn Thụy Anh trong lễ ra mắt bộ sách Andersen tai Lespace. Ảnh: Tư liệu NVCC
Một trong những hoạt động tiêu biểu khác mà TS Thụy Anh đã triển khai thành công đó là các hoạt động đưa trẻ em trải nghiệm với các nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, kịch, … Đây là những hoạt động mà theo lời chị nhằm “nuôi dưỡng tình yêu với các loại hình nghệ thuật dân tộc giúp thế hệ trẻ Việt Nam xây dựng một phông nền văn hóa vững vàng để trở thành một công dân toàn cầu”. Trại hè thiếu nhi EcoCamp – trại hè kỹ năng hướng nghiệp, đã trở thành một hoạt động được các em nhỏ mong đợi hàng năm.

TS Thụy Anh còn được biết đến trong vai trò một nhà văn, nhà thơ, dịch giả. Bộ sách “Nhim nhỉm nhìm nhim – Vui cùng tiếng Việt – Mẹ hổ dịu dàng – Ngày xưa, ngày nay, ngày sau” đã trở thành một người bạn không thể thiếu của các em nhỏ muốn khám phá, làm quen với thế giới xung quanh mình, đồng thời giúp các em rèn luyện kỹ năng cho bản thân, chân quý cảm xúc với những người thân yêu xung quanh mình. Những tác phẩm của chị là nơi lưu giữ những câu chuyện của con trẻ.

Ngoài các hoạt động trong nước, TS Thụy Anh còn tham gia hoạt động dạy tiếng và giới thiệu văn hóa Việt Nam cho cộng đồng người Việt tại Warszawa, Ba Lan và cộng đồng người Việt tại Stuttgart, Đức; hay tham gia chương trình Festival sáng tác văn học do Hội nhà văn Nga tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam xa tổ quốc có thể hiểu và yêu tiếng Việt hơn.

Trong bất kỳ một hoạt động hay chương trình nào được tổ chức, người ta đều nhận thấy ở TS Thụy Anh đó là một tâm hồn trong sáng, lòng yêu nghề - yêu trẻ, năng lượng tích cực cùng những thông điệp giá trị về nghề giáo. Đó là lý do, nhiều người đã gọi TS Thụy Anh - “sứ giả của cảm xúc”./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ts-nguyen-thuy-anh-va-cau-chuyen-lon-len-cung-con-290163.html


top