Tiêu điểm

Truyền thông và các chính khách quốc tế nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10, dư luận và nhiều hãng thông tấn, truyền thông lớn trên thế giới đã đồng loạt chia sẻ và đưa tin đậm nét về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như không khí Lễ Quốc tang và tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng. Nhiều tờ báo lớn đã gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "chiến lược gia kiệt xuất", "nhà quân sự lỗi lạc", "anh hùng dân tộc", "thiên tài quân sự của thế giới", "nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất của thế kỷ XX"...Báo ảnh Việt Nam xin trích và tổng hợp lại một phần nhỏ.
Tờ Le Monde của Pháp số ra ngày 4/10 đăng bài viết của tác giả Jean-Claude Pomonti: "Tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử như một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ XX, vị tướng duy nhất đã liên tiếp đánh bại quân đội Pháp và dám đương đầu với nước Mỹ". "Việc đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954 và sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn tháng 4/1975 là những chiến công vang dội nhất của vị tướng tài ba, người đã có công lớn trong việc cản phá Pháp quay lại Việt Nam và tìm mọi cách không để Mỹ nhảy vào thế chân Pháp".

Trang mạng Tân Hoa của Trung Quốc cũng liên tục đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi ông là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới.

Hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba thì nhấn mạnh rằng, nghệ thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp là nguồn cảm hứng cho các chiến sỹ đấu tranh vì độc lập dân tộc trên cả thế giới, và các cuốn sách của ông về chiến lược quân sự vẫn là những tài liệu quý giá mà các chuyên gia quân sự trên thế giới vẫn tìm đọc.

 
HÌNH ẢNH ĐẠI TƯỚNG VỚI CÁC CHÍNH KHÁCH VÀ BẠN BÈ TRÊN THẾ GIỚI


Đại tướng với Lãnh tụ Cuba Fidel Castro (tháng 9/1973). Ảnh: TTXVN


Đại tướng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Sayasone (tháng 4/2009). Ảnh: TTXVN


Đại tướng với Tổng thống Pháp Jacques Chirac (1997). Ảnh: Tư liệu

Đại tướng với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara (tháng 6/1997). Ảnh: TTXVN


Đại tướng với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (tháng 8/2006). Ảnh: TTXVN


Đại tướng với Tổng thống Chile Michelle Bachelet (tháng 11/2006). Ảnh: TTXVN


Đại tướng với Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Samdech Norodom Sihanouk (1972). Ảnh: TTXVN


Đại tướng với Chủ tịch nước Cộng hòa Mozambique Samora Machel (tháng 11/1980). Ảnh: TTXVN


Tổng thống Cộng hòa Benin Mathieu Kérékou
và nhân dân thủ đô Cotonou đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 11/1980). Ảnh: TTXVN

Tại Viêng Chăn, tất cả các các phương tiện truyền thông của Lào như Đài truyền hình quốc gia, các báo "Pasason", "Pathet Lao", "KPL News", "Vientiane Times", "Lao Phatthana" đều đưa nhiều tin, bài rất trang trọng về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần và điện chia buồn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Bức điện có đoạn: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà cách mạng dũng cảm, kiên cường, trung thành với sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân Việt Nam, là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là Đại tướng đầu tiên của Việt Nam, là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế kính trọng và yêu quý vì sự quả cảm và tài ba trong chỉ huy chiến đấu đánh thắng ngoại xâm, đem độc lập hoàn toàn về cho nhân dân Việt Nam anh em. Đồng chí là người đã luôn đóng góp tích cực, to lớn vào việc vun đắp, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào".

Tại Mỹ, với đầu đề "Vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 102", hãng tin AP mô tả Đại tướng là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một người anh hùng dân tộc, đã từng đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Báo The New York Times thì mô tả: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người rất lôi cuốn và hoạt bát, một nhà quân sự uyên bác và một người theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt. Ông có thể dùng sức hút của bản thân để lên tinh thần cho quân sỹ, làm bùng cháy trong họ sự sẵn sàng cống hiến cho đất nước".

Tại Anh, báo The Independent đăng bài với tựa đề “Võ Nguyên Giáp – người chiến sĩ đã dẫn dắt các lực lượng Việt Nam đánh lại Pháp và Mỹ”. Báo The Guardian dùng từ “huyền thoại” để nói về vị tướng đã “chỉ huy lực lượng quân đội non trẻ của Việt Nam đánh bại thực dân Pháp và sau đó tiếp tục dẫn dắt quân đội đánh lại đế quốc Mỹ”. Trong khi đó, báo Financial Times bình luận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất của thế kỷ 20. 

 
HÌNH ẢNH LÃNH ĐẠO CÁC NƯỚC VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ ĐẾN VIẾNG LỄ TANG ĐẠI TƯỚNG
 

Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Lào, do đồng chí Chummaly Sayasone, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào,
Chủ tịch nước CHDCND Lào dẫn đầu, viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN



Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Sayasone bên linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong đến Đại sứ quán Việt Nam tại Lào
đặt vòng hoa, thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN



Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin,
dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Campuchia đến viếng và chia buồn cùng tang quyến Đại tướng. Ảnh: TTXVN



Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Mexico - Việt Nam, Alberto Anaya Gutierrez
đến viếng và ghi sổ tang tại Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico. Ảnh: TTXVN




Tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam đến viếng và ghi sổ tang tại lễ viếng Đại tướng. Ảnh: TTXVN


Đoàn đại biểu các đoàn ngoại giao đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN 

Cùng với các báo, nhiều học giả, chính khách nổi tiếng trên thế giới cũng có những đánh giá nổi bật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giáo sư Fredrik Logevall thuộc Đại học Cornell University (Hoa Kỳ) cho biết, tuy là một vị tướng hầu như chỉ tự học hỏi, nhưng không ai có thể phủ nhận được thành tựu cuối cùng là ông đã chiến thắng thực dân Pháp và rồi chống lại sức mạnh quân sự khủng khiếp của Mỹ.

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain viết trên trang mạng cá nhân của mình rằng: "Tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Ông là một chiến lược gia quân sự tài ba từng nói với tôi rằng chúng ta là những kẻ thù danh dự".

Trong bức điện chia buồn gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống CH Algeria Abdelaziz Bouteflika viết: "Việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời là một nỗi mất mát to tớn không chỉ đối với các bạn, những người Việt Nam mà còn đối với cả chúng tôi, những người Algeria". Còn Tổng Thư ký Đảng Phong trào Cánh tả Đoàn kết Cộng hòa Dominicana (MIU), Miguel Mejia thì nhấn mạnh: "Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nỗi đau lớn lao không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả với phong trào cách mạng trên thế giới". Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Singapore Chia Teck Keng đã gọi ông là "thần tượng" của tất cả những người trong lực lượng vũ trang.

Nói về Lễ Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hãng tin AP của Mỹ mô tả: "Một tang lễ chưa từng có ở Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời cách đây hơn 4 thập niên. Có tới hơn 150.000 người xếp hàng tưởng nhớ vị anh hùng cách mạng. Các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, cùng với cựu chiến binh, nhà ngoại giao và người dân thường đã cùng bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ Đại tướng. Cờ rủ treo khắp nơi, các sự kiện giải trí ngừng lại".
 
Tân Hoa xã (Trung Quốc).
.
The New York Times (Mỹ).
.
KPL (Lào).
.
Prensa Latina (Cuba).
.
BBC (Anh).
.
Bloomberg (Mỹ).
.
Bangkok Post (Thái Lan).
.

CNN (Mỹ).
.

Fox News (Mỹ).
.

The Independent (Anh).
.
 
The Japan Times News (Nhật).
.
 
The Journal (Pháp).
.
 
Reuters (Anh).
.
 
The Guardian (Anh).
.
 
The Telegraph (Anh).
.
 
The Washington Post (Mỹ).
.
Hình ảnh và thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
xuất hiện đậm nét trên trang tin của nhiều hãng thông tấn và báo chí lớn trên thế giới. (Ảnh chụp lại từ màn hình)

Trong khí đó đài BBC của Anh viết: "Lễ quốc tang vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam đang diễn ra với sự theo dõi của hàng triệu người". 

Trước đó, hãng tin Anh Reuters đưa tin: "Hàng đoàn người xếp hàng dài dưới bầu không khí nóng ẩm. Không khí hết sức tĩnh lặng. Mọi cặp mắt đều hướng về màn ảnh khổng lồ đặt ở ngoài trời, người ta thấy linh cữu vị tướng, phủ quốc kỳ Việt Nam, phía trên là dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Còn trang tin Bloomberg cho hay, kể từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, vô vàn người Việt Nam với bông cúc vàng trong tay, và ô mũ che nắng đã không quản ngại nắng gắt, xếp hàng cả km phía ngoài tư gia của ông ở phố Hoàng Diệu để được vào viếng ông.

Có thể nói, cuộc đời binh nghiệp và sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một sức hút kỳ lạ đối với nhiều người và nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những người trước đó vốn là đối thủ của ông. Sức hút ấy có được không chỉ bởi ông là một "nhà chiến lược quân sự vĩ đại", một "thiên tài quân sự của thế kỷ XX" hay một "ngọn núi lửa phủ băng" như báo chí đã nói, mà ông còn là một biểu tượng của lòng dũng cảm và tính cương trực song luôn giữ tinh thần khiêm tốn, giản dị và giàu lòng bác ái, nhân văn./.
Thực hiện: Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/truyen-thong-va-cac-chinh-khach-quoc-te-noi-ve-dai-tuong-vo-nguyen-giap-49671.html


top