Tin tức

Truyền thông Brazil đánh giá cao chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam

Ngày 5/7, trang mạng INVERTA của Brazil đăng bài viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, với tiêu đề "Ngoại giao đa phương Việt Nam - Hành trình hội nhập toàn cầu và dấu ấn tại BRICS 2025", nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil, theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva.
  Bài viết “Ngoại giao đa phương Việt Nam - Hành trình hội nhập toàn cầu và dấu ấn tại BRICS 2025” trên trang INVERTA của Brazil. Ảnh: Diệu Hương - phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ  

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, bài báo nhấn mạnh Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, diễn ra trong các ngày 6-7/7 tới đây là cơ hội để Việt Nam, đối tác thứ 10 của BRICS, khẳng định vai trò tiên phong trong ngoại giao đa phương, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững.

Với nền kinh tế phát triển năng động, dân số gần 100 triệu người và sự hội nhập sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam mang đến Brazil một câu chuyện về sự kiên cường và khéo léo, từ một quốc gia từng bị cô lập đến một đối tác đáng tin cậy, tích cực định hình các cơ chế đa phương.

Sự hiện diện của Việt Nam tại BRICS 2025 không chỉ củng cố quan hệ với các nền kinh tế mới nổi mà còn thể hiện cam kết trách nhiệm trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, từ phát triển bền vững đến ứng phó biến đổi khí hậu. Đối với Brazil, đây là dịp để chứng kiến một Việt Nam năng động, sẵn sàng hợp tác vì lợi ích chung và một tương lai thịnh vượng.

Trang INVERTA đề cao chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam trong suốt chiều dài gần 80 năm qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945.

Bài báo bình luận: "Ngoại giao đa phương đã đồng hành cùng các giai đoạn phát triển của Việt Nam, từ đấu tranh giành độc lập đến xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong thời kỳ 1945-1975, các thắng lợi ngoại giao tại Hiệp định Geneve (1954) và Hiệp định Paris (1973) không chỉ khẳng định quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam mà còn tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi từ bạn bè quốc tế, góp phần vào chiến thắng lịch sử thống nhất đất nước. Những thành tựu này đã đặt nền móng vững chắc cho vị thế của một Việt Nam độc lập trên trường quốc tế".

Bài báo nhấn mạnh, kể từ công cuộc Đổi mới năm 1986, ngoại giao đa phương được xác định là một trụ cột cốt lõi trong đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế".

Đề cập tới việc Việt Nam chính thức trở thành đối tác thứ 10 của BRICS vào tháng 6 vừa qua, trang INVERTA bình luận đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình ngoại giao đa phương của Hà Nội. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và sự hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là "một tác nhân quan trọng tại châu Á" và một đối tác chia sẻ cam kết của BRICS trong việc xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, đại diện hơn. Bài báo nhận định, sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 không chỉ là một hoạt động đối ngoại thông thường mà còn là minh chứng sống động cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa của Việt Nam.

Nhân dịp này, kênh phát thanh INVERTA của Brazil cũng đăng bình luận về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Rio de Janeiro: "Sự hiện diện của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 không chỉ là cơ hội để khẳng định vị thế mà còn là dịp để thắt chặt quan hệ với Brazil - một đối tác chiến lược chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung. Cả hai quốc gia đều là những nền kinh tế đang phát triển năng động, có chung khát vọng xây dựng một thế giới đa cực, hòa bình và thịnh vượng"./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/truyen-thong-brazil-danh-gia-cao-chinh-sach-ngoai-giao-da-phuong-cua-viet-nam-401724.html


top