Văn hóa

Trung tâm Giám định ADN - nơi kết nối những nghĩa cử Việt Nam

Việt Nam phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và cho đến hôm nay việc tìm lại thân nhân cho các liệt sĩ vô danh vẫn là nghĩa cử nhân văn của dân tộc. Trung tâm giám định ADN đã và đang thầm lặng giám định ADN hài cốt liệt sĩ được gửi về từ khắp mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân các anh hùng đã ngã xuống, mong tìm lại tên cho các liệt sĩ.
Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã xây dựng thành công quy trình công nghệ phân tích ADN hài cốt liệt sĩ, bảo đảm năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ mỗi năm. Đây cũng là đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN di truyền từ các mẫu xương lâu năm, các mẫu xương cổ và hướng tới trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự và di truyền cá thể.

Chúng tôi đến Trung tâm Giám định ADN sau ngày khai trương với mong muốn được nhìn thấy sự quy mô, hiện đại của một đơn vị thầm lặng làm nghĩa cử cao đẹp cho nhân dân Việt Nam: tìm lại tên và gia đình cho những người đã hi sinh trong chiến tranh. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa được định danh, trong đó gần 300.000 hài cốt nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia, chưa được qui tập về các nghĩa trang liệt sĩ và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được qui tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin. Việc giám định ADN là một quá trình khoa học và tận tâm của nhân sự nơi đây, đồng thời khẳng định sự chuyên môn cao, được quốc tế ghi nhận.


Tòa nhà Trung tâm Giám định ADN. Ảnh: Tư liệu


Chuyên gia Đức hướng dẫn vận hành thiết bị. Ảnh: Tư liệu


Hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới Ion PGM. Ảnh: Tư liệu


Làm việc tại Ủy ban về người mất tích - ICMP Bosnia and Herzegovina. Ảnh: Tư liệu


Trung tâm Giám định ADN  thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
gồm tổ hợp 10 phòng thí nghiệm đặt tại Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ Cổ Nhuế thực hiện nhiệm vụ giám định hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Việt Cường


Theo các kỹ thuật viên, điều khó khăn nhất 
trong việc phân tích ADN hiện nay là mẫu hài cốt liệt sĩ đã chôn cất nhiều năm, sự phân hủy rất lớn. Ảnh: Việt Cường


Tách chiết ADN từ mẫu hài cốt. Ảnh: Tư liệu


Giám định viên phân tích mẫu thân nhân. Ảnh: Tư liệu


Máy tách chiết ADN tự động. Ảnh: Tư liệu


Phân thích mẫu tại Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học. Ảnh: Việt Cường


Cán bộ Trung tâm Giám định ADN hiện đang ngày đêm nỗ lực làm việc
với mong muốn đưa ra kết quả giám định sớm nhất, chính xác nhất mang niềm vui cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Việt Cường

Trung tâm Giám định ADN có tổ hợp 10 phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu thân nhân, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu vực lưu trữ mẫu, khu vực kiểm định/kiểm chuẩn, hệ thống server và hệ thống văn phòng trên diện tích 750m2. Trung tâm sử dụng trang thiết bị hiện đại tại thời điểm đầu tư nhằm bắt kịp trình độ giám định ADN tại các nước tiên tiến.

Phó Giám đốc Trung tâm, Thạc sĩ Hoàng Hà cho biết, Trung tâm đã cử 6 chuyên gia giỏi nhất đi đào tạo tại Tổ chức Quốc tế tìm kiếm người mất tích (ICMP) tại Liên bang Bosnia và Herzegovina, cũng như các phòng thí nghiệm tại Hamburg- Đức. Toàn bộ cán bộ tham gia công tác giám định đều tham gia các chương trình đào tạo trong 2 năm do các chuyên gia đầu ngành về di truyền hình sự của Hoa Kỳ tới Việt Nam giảng dạy.

Cho đến nay, Viện Công nghệ Sinh học đã giám định gần 1.000 hồ sơ liệt sĩ và định danh được hơn 800 liệt sĩ. Mỗi năm, Viện định danh 400 mẫu hài cốt liệt sĩ. Kinh phí giám định không thu phí của các gia đình thân nhân liệt sĩ.

Gần 50 cán bộ chuyên gia của Trung tâm Giám định ADN vẫn ngày ngày làm việc hăng say, trong đó có những nhân viên người Hàn Quốc từng làm việc xuyên đêm với nỗ lực cao nhất để có kết quả niềm vui cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Không có hạnh phúc nào lớn hơn khi kết quả ADN được xác nhận đúng với tên người. Đó là món quà tinh thần nhân văn đáng giá nhất mà Trung tâm Giám định ADN tặng cho người dân Việt Nam./.


Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa giám định ADN trở thành một trong những khâu bắt buộc của qui trình định danh liệt sĩ thông qua phân tích hài cốt. Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là 1 trong 3 đơn vị được đầu tư trên 200 tỷ đồng trên cả nước, đảm bảo năng lực phân tích 4.000 mẫu một năm. Đây là một bước đánh đấu sự phát triển vượt bậc về mở rộng quy mô ứng dụng của công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ tại nước ta.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường, TL

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/trung-tam-giam-dinh-adn-noi-ket-noi-nhung-nghia-cu-viet-nam-209998.html


top