Đầu hồ là một trong những trò chơi cung đình, phổ biến vào thời nhà Nguyễn (1802 – 1945). Đây là một thú chơi tao nhã lại đòi hỏi phải có sự khéo léo nên rất được nhà vua và giới hoàng thân quốc thích ưa thích.
Theo tiếng Hán, "đầu" có nghĩa là "quăng, ném", "hồ" có nghĩa là "cái bình". Đầu hồ là trò chơi dùng tay phóng những chiếc tên dài vào miệng của một cái bình ở xa. Luật chơi không phức tạp nhưng kĩ thuật chơi lại đòi hỏi phải có sự khéo léo và chính xác gần như tuyệt đối.
Bộ đồ chơi đầu hồ đầy đủ thường có một bộ 12 mũi tên bằng gỗ, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, dài từ 65 đến 80cm; một miếng gỗ, gọi là con cóc, có kích thước 25cm x 40cm và dày chừng 5cm; một cái bình miệng nhỏ, có hình như nậm rượu, được làm bằng đồng, gỗ hay sứ, cao khoảng 65cm.
Những bộ đồ chơi đầu hồ được trưng bày tại Bảo tàng Mĩ thuật Cung đình Huế.
Một chiếc bình bằng gỗ dùng trong trò chơi đầu hồ.
Một chiếc bình bằng pháp lam dùng trong trò chơi đầu hồ.
Chiếc bình bằng sứ và bảng mô tả luật chơi đầu hồ.
Tái hiện trò chơi đầu hồ tại một kì Festival Huế.
Du khách nước ngoài thử sức với trò chơi đầu hồ được tổ chức trước khu vực kì đài Huế. |
Luật chơi đầu hồ về cơ bản có thể hình dung như sau: Người chơi cầm mũi tên, đứng cách chiếc bình một đoạn và ném sao cho mũi tên rơi trúng vào mình con cóc gỗ rồi nẩy lên rơi lọt vào miệng bình đặt ở phía sau thì thắng cuộc (xem thêm ảnh mô tả luật chơi ở trên).
Đây là trò chơi khó, người chơi ngoài việc phải biết tính toán khoảng cách và độ nẩy của mũi tên còn phải kết hợp với kĩ thuật ném thật khéo léo, chính xác thì mới có thể đưa được mũi tên vào cái miệng nhỏ xíu của chiếc bình ở xa. Tương truyền, ngày xưa vua Tự Đức (1829 - 1883) và Bảo Đại (1913 - 1997) là hai người chơi rất giỏi môn thể thao cung đình này. Đầu hồ là một thú chơi tao nhã, không mang tính sát phạt, người thắng được thưởng quà, kẻ thua thường bị phạt vài ba chén rượu để làm vui.
Kể từ khi nhà Nguyễn sụp đổ, kết thúc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam vào năm 1945, trò chơi đầu hồ từ đó cũng mai một dần. Mãi cho đến gần đây, trò chơi này mới được phục hồi và đưa vào phục vụ du khách tại các kì Festival Huế. Hiện tại Bảo tàng Mĩ thuật Cung đình Huế vẫn còn lưu giữ khá nhiều bộ đồ chơi đầu hồ. Ngoài ra, một số gia đình thuộc dòng dõi Tôn thất (hậu duệ của hoàng tộc Nguyễn) hiện sống ở Huế vẫn còn lưu giữ được những bộ đồ chơi đặc biệt này./.
Bài: Tất Sơn – Ảnh: Đinh Công Hoan
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tro-choi-dau-ho-30680.html