Tin tức

Triển lãm “Vườn tâm tưởng” của họa sỹ Trần Văn Binh

Với triển lãm cá nhân (đang diễn ra tại Huyen Arthouse, quận 1, TP.HCM) đến hết ngày 17-7), Vườn tâm tưởng của họa sĩ tức là khu vườn của trí nhớ, từ trí nhớ hiện ra. Đây cũng là cột mốc đánh dấu 26 năm kể từ lần triển lãm cá nhân cuối của Trần Văn Binh vào năm 1996 tại Hội An.
  Họa sỹ Trần Văn Binh bên tác phẩm.  

26 tác phẩm biểu trưng cho lần trở lại này là những tác phẩm được vẽ từ những ký ức, mang theo hoài niệm về những điều xa xưa đã qua. “Tưởng” trong ý nghĩ của họa sĩ còn là những dự báo, dự cảm về tương lai.

Qua 40 năm theo đuổi hội họa, họa sĩ nhận xét mình đã có nhiều thay đổi - như lời ông nói với Tuổi Trẻ Online: “Từ những cụ thể, hiện thực, tôi biến dần phong cách. Cũng cùng đề tài đó, nhưng tôi đã chuyển qua lối này, tìm được góc nhìn khác đi. Tôi không mất đi cái gốc của hiện thực, vẫn nằm trong tâm tưởng về quê kiểng”.

Bắt đầu phong cách trừu tượng từ những năm cuối thập niên 90, mà theo cách nói của nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông chẳng khác gì “đi trên dây”, nhưng Trần Văn Binh không những đứng vững mà còn tạo được cho mình một chỗ đứng riêng với phong cách nhất quán.

Đó có thể là cách sử dụng màu sắc biểu trưng theo từng ý nghĩa của giai đoạn. Đó còn là những “vết xước” mà chỉ riêng ông tạo ra và sử dụng triệt để.

"Triển lãm này là một thời đoạn Binh đã định hình được phong cách, và theo tôi cũng là một lựa chọn rất can đảm. Bởi trừu tượng từ khi được khai phá đã là nơi lúc nào cũng như đi trên dây giữa non cao và vực thẳm", nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông chia sẻ.

Xem tranh của ông, ta sẽ bắt gặp những nét vẽ vừa có vẻ phóng khoáng, tự do nhưng cũng đủ sâu để làm bật được tính suy tư, chiêm nghiệm của một người ngấp nghé tuổi 60.

Xét về khía cạnh biểu hiện, Trần Văn Binh đã giản lược bớt những đường nét biểu hình, chỉ còn những màu sắc từ đậm đến rất đậm, tựa những miếng thổ cẩm được đắp trên nền ký ức.

Về mặt ý niệm, tranh của ông như có hai thực tại được đan cài vào nhau. Đó là miền quê đã gắn bó vào trong tâm tưởng người họa sĩ như Gió qua đồng làng, Vai mẹ gầy, hay như Miền duyên hải...

Đó còn là nỗi suy tư về thời cuộc, về những điều đã và đang xảy ra như hai tác phẩm Nơi chốn bình yên và Trời vừa hửng sáng được vẽ vào giai đoạn trong và sau đại dịch COVID-19./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/trien-lam-vuon-tam-tuong-cua-hoa-sy-tran-van-binh-303062.html


top