Sáng 1/8, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong giới thiệu cuốn sách ảnh cùng triển lãm mang tên Nghề truyền thống Việt (tựa tiếng Anh: Vietnam’s Traditional Crafts). Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong theo đuổi chủ đề này hơn chục năm qua, chọn lọc kỹ trước khi ra mắt.
Đây là cuốn sách ảnh thứ 13 và triển lãm cá nhân thứ 19 trong sự nghiệp nhiếp ảnh của anh. Triển lãm diễn ra chỉ trong 1 ngày, từ 8-18g, tại Hotel Majestic Saigon (quận 1, TPHCM).
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong phát biểu tại triển lãm và ra mắt sách ảnh Nghề truyền thống Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cùng khách mời cắt bánh khai mạc triển lãm và ra mắt sách ảnh Nghề truyền thống Việt Nam.
Quang cảnh triển lãm và ra mắt sách ảnh Nghề truyền thống Việt Nam.
Ý tưởng thực hiện sách này được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ấp ủ thực hiện trong 10 năm. Với anh, Việt Nam có hàng trăm nghề truyền thống, cho thấy bề dày văn hoá - lịch sử; sự độc đáo, thú vị của từng vùng đất trên cả nước. Nhưng hiện tại, phương thức sản xuất mới xuất hiện trong làng nghề. Sự thay đổi đó thôi thúc nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thực hiện sách ảnh để tôn vinh, lưu giữ những giá trị di sản còn sót lại.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tìm đến những làng nghề ở nhiều tỉnh, thành như: Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, TPHCM, An Giang... Anh hỏi thăm, trò chuyện cùng các nghệ nhân, người lao động, ghi lại những khoảnh khắc làm việc của họ.
Tác phẩm nghề đúc đồng (Huế).
Tác phẩm nghề May – Trạch Xá (Hà Nội).
Tác phẩm nghề làm bánh trấng (Phú Yên).
Tác phẩm nghề làm hương – Quảng Phú Cầu (Hà Nội).
Tác phẩm nghề làm nón lá – Phù Cát (Bình Định).
Tác phẩm nghề làm Lư đồng – Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong mỗi quyển sách, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đính kèm thêm 1 tờ giấy được anh mua từ làng nghề làm giấy bản truyền thống ở Cao Bằng.
Những làng nghề xuất hiện trong sách ảnh lần này của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong như: nghề làm chiếu cói (Phú Yên), nghề thêu ren (Ninh Bình), tranh làng Sình (Thừa Thiên - Huế), nón lá (Bình Định), đúc đồng (TPHCM), làm giấy bản (Cao Bằng)...
“Khi đi chụp các làng nghề đã có nhiều khó khăn phải đối diện. Các làng nghề không còn sôi động như trước, thậm chí chỉ còn vài hộ dân giữ nghề. Có khi đến thì mọi người nghỉ sản xuất vì không có đơn hàng. Thời tiết cũng là yếu tố tác động không nhỏ, nên có lúc đến nhưng đành hẹn dịp sau. Anh cũng phải tính toán kỹ về kinh phí lưu trú, ăn ở vì tài chính có hạn” Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.
Lần này, anh chỉ in 100 cuốn sách. Giấy in ảnh và giấy lót được chọn từ giấy mỹ thuật của Ý. Bìa sách là chất liệu giấy của Hà Lan. Phần bìa hộp đựng sách giấy carton của Phần Lan. Các chất liệu này đều thân thiện với môi trường.
Trong mỗi quyển sách, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đính kèm thêm 1 tờ giấy được anh mua từ làng nghề làm giấy bản truyền thống ở Cao Bằng. Trên giấy có phần viết tay nội dung chứng nhận đây là cuốn sách giới hạn. Ngoài ra, hộp đựng sách sẽ do nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh chuyên về sơn mài gia công./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/trien-lam-va-ra-mat-sach-anh-nghe-truyen-thong-viet-cua-nhiep-anh-gia-tran-the-phong-373163.html