Tranh thủy mặc (thủy là nước, mặc là mực) là một loại hình hội họa khởi nguồn từ Trung Quốc được vẽ bằng mực nước, hay còn gọi là mực Tàu trên giấy hoặc lụa. Các chủ đề chính trong tranh thường là cây cối, hoa, phong cảnh, chim thú, người... và thường kèm theo thơ chữ. Tranh thủy mặc phát triển ở Tp. Hồ Chí Minh vào những năm 80 của thế kỉ trước.
Các họa sĩ nổi tiếng về tranh thủy mặc hiện đại ở Việt Nam hiện nay đều chịu ảnh hưởng của trường phái Lĩnh Nam Họa phái. Một trường phái tranh thủy mặc nổi danh, thuộc phái cách tân trong hội họa truyền thống Trung Hoa. Tác phẩm của họa phái này không dừng lại ở việc mô phỏng theo cách vẽ của cổ nhân mà mang hơi thở thời đại, cách tân cả ở ý thức thẩm mĩ lẫn phong cách nghệ thuật với quan niệm “Bút mực theo thời đại”. Từ thực tiễn sáng tác, sự biến hóa đa dạng của dòng tranh thủy mặc cách tân đã dần tạo nên dòng tranh thủy mặc Việt Nam với những đóng góp quan trọng trong đời sống hội họa.
Đặc biệt, mới đây, lần đầu tiên Hội Mĩ thuật Tp. Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Mĩ thuật người Hoa đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh thủy mặc mang chủ đề “Đương đại”. Triển lãm hội tụ 64 tác phẩm của 8 họa sĩ là thành viên của Hội Mĩ thuật Tp. Hồ Chí Minh gồm: Lý Tùng Niên, Huỳnh Tuấn Bá, Lý Khắc Nhu, Dịch Ánh Nga, Trương Hán Minh, Trương Lộ, Trần Văn Hải và Lý Chánh Vân.

Triển lãm tranh thủy mặc "Đương đại".

Tác phẩm "Chợ phiên Mường Khương" của Huỳnh Tuấn Bá.

Tác phẩm "Thác Bản Giốc" của Huỳnh Tuấn Bá.

Tác phẩm "Bình minh trên Cao Bằng" của Huỳnh Tuấn Bá.

Tác phẩm "Nhịp sống" của Trần Văn Hải.

Tác phẩm "Cầu Phú Mỹ" của Lý Khắc Nhu. |
Điều đặc biệt hiện rõ trong các tác phẩm được trưng bày lần này là những hình ảnh đậm chất Việt Nam được các họa sĩ thể hiện một cách đằm thắm qua bút pháp phóng khoáng, lãng mạn mang đặc trưng của loại hình tranh thủy mặc truyền thống, nhưng cũng rất giàu tính hiện đại với những mảng miếng màu sắc tả thực khá hiện đại. Xem tranh của các họa sĩ người ta thấy ở đó nhiều hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa của người Việt như: phong cảnh Hạ Long, cao nguyên Yên Bái, thác Bản Giốc, làng quê Cao Bằng, cầu Phú Mỹ, sắc màu mùa thu, một góc chợ quê, bến cá, nhà ven sông, cuộc sống vùng cao, con người vùng biển…
Trong số các họa sĩ tham gia triển lãm lần này, có nhiều họa sĩ chuyên về đề tài phong cảnh và con người Việt Nam như: Lý Khắc Nhu, Trương Lộ, Huỳnh Tuấn Bá, Trương Hán Minh… Có thể nói, với sự quan sát tinh tế thực tế đời sống, công việc và tâm hồn con người Việt Nam... các họa sĩ đã thổi vào tác phẩm của mình một không khí mang đầy hơi thở của cuộc sống, chan chứa tình yêu con người, quê hương đất nước Việt Nam, cũng như một sức sống mới mẻ cho dòng tranh tranh thủy mặc vốn đã quá quen thuộc với phong cách lãng mạn cổ điển.
Vì vậy, có thể nói, triển lãm tranh thủy mặc “Đương đại” lần này là một tiếng nói đầy ý nghĩa của các họa sĩ người Việt gốc Hoa về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam thông qua dòng tranh truyền thống của dân tộc mình, và đem đến cho nền hội họa Việt Nam một hơi thở mới trước thềm xuân mới./.
Bài: Vân Qúy – Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/trien-lam-tranh-thuy-mac-duong-dai-30385.html