Khám phá

Triển lãm mỹ thuật Nam Bộ cổ - cận đại

Triển lãm Chuyên đề Mỹ thuật cổ - cận đại vừa được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) đã mang đến cho công chúng những cái nhìn đa chiều về sự phát triển của mỹ thuật Nam Bộ thời cổ - cận đại.
Triển lãm giới thiệu gần 400 hiện vật tiêu biểu trong tổng số hơn 15.000 hiện vật mĩ thuật cổ mà Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh đang lưu giữ. Đó là tổng hợp từ 4 chuyên đề mỹ thuật thuộc 4 chất liệu khác nhau: đá, gốm, gỗ và đồng.


Du khách nước ngoài tham quan triển lãm Chuyên đề mỹ thuật Nam Bộ cổ - cận đại.


Triển lãm 
giới thiệu gần 400 hiện vật tiêu biểu thuộc 4 nhóm chất liệu khác nhau: đá, gốm, gỗ và đồng, 
giúp công chúng hiểu biết thêm những nét đặc sắc về mỹ thuật Nam Bộ.

Với mỹ thuật chất liệu đá, Chuyên đề trưng bày 59 hiện vật giới thiệu những nét khái quát nhất và cũng đặc trưng nhất của hai nền nghệ thuật: điêu khắc cổ đồng bằng Nam bộ và Điêu khắc cổ Champa.

Các hiện vật được trưng bày trong nội dung mỹ thuật chất liệu gốm là 212 hiện vật trong nhiều thời kỳ theo các chủ đề: gốm cổ Nam Bộ, gốm Sài Gòn xưa, gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Biên Hòa (Đồng Nai).

Mỹ thuật chất liệu gỗ lại giới thiệu 76 hiện vật thuộc các bộ sưu tập: tượng Phật Khmer Nam Bộ, tượng thờ trong điêu khắc dân gian, mỹ thuật gỗ trong thờ cúng và đồ gỗ gia dụng - đồ gỗ trang trí.

Cuối cùng, mỹ thuật chất liệu đồng trưng bày 50 hiện vật phục vụ nhu cầu thờ cúng và tượng đồng trang trí với dấu ấn đậm nét của đúc đồng mỹ nghệ Biên Hòa.

Triễn lãm thu hút nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường kiến trúc, mỹ thuật đến khám phá và tìm hiểu. Bạn Hoàng Văn Hùng, sinh viên học ngành Mỹ thuật cho biết: “Với những hiện vật trưng bày trong Chuyên đề, tôi thực sự được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân thời kỳ cổ - cận đại. Từ đây, tôi có thêm hiểu biết về mỹ thuật như điêu khắc đá, nghề gốm… để đáp ứng quá trình học tập và nghiên cứu”./.



Tượng Phật bằng gỗ mù u, thế kỉ 6.


Nhóm tượng bằng chất liệu sa thạch mịn, thế kỉ 6-8.


Tượng nữ thần Uma Mahisasuramadini (Nữ thần Hủy diệt và Sinh sản) bằng sa thạch mịn, thế kỉ 7-8.


Tượng người cầu nguyện bằng sa thạch thổ, thế kỉ 14-16.


Các hũ bằng đất nung.


Bình bằng đất nung.


Cặp câu đối 
hình lá chuối bằng chất liệu gỗ phủ sơn, thế kỉ 20.


Bình phong bằng gỗ phủ sơn, thế kỉ 20.


Tượng thành hoàng bằng chất liệu gỗ phủ sơn, đầu thế kỉ 20.


Bình gốm men nhiều màu, thế kỉ 20.


Bình gốm, thế kỉ 20.


Xe ngựa bằng đất nung, thế kỉ 20.


Tượng gốm men.


Các loại hộp bằng gỗ cẩn ốc, đầu thế kỉ 20.


Tượng Ông Nhật – Bà Nguyệt bằng gốm men nhiều màu, thế kỉ 20.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/trien-lam-my-thuat-nam-bo-co-can-dai-90901.html


top