Tin tức

Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam”

Ngày 28/1, tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam”.
  Biểu diễn đi cà kheo múa rồng tại chợ Tết. Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, triển lãm gồm 2 phần: Thành Nam trong dòng chảy lịch sử và Thành Nam hướng đến đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững. Triển lãm trưng bày 200 tài liệu, tư liệu, hiện vật, hình ảnh khắc họa những mốc son và vị thế của thành phố Nam Định trong lịch sử hình thành và phát triển, khẳng định bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của Thành Nam trong dòng chảy 800 năm hình thành và phát triển.

Triển lãm cũng tạo không gian văn hóa phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân trong dịp Xuân mới, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và phát triển du lịch.

  Tái hiện không gian trường thi hương Nam Định dưới thời Nguyễn. Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN 

Thành phố Nam Định là mảnh đất có lịch sử lâu đời, là một trong 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố của tỉnh Nam Định. Nơi đây, từ thế kỷ XIII, vương triều Trần đã cho xây dựng Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường - một trung tâm quyền lực của quốc gia Đại Việt, có vị thế như Kinh đô thứ hai (sau kinh đô Thăng Long).

Đây cũng là thời kỳ khởi đầu quá trình đô thị hóa cho sự ra đời của đô thị Vị Hoàng ở thế kỷ XVII - XVIII, trở thành trấn lị của trấn Sơn Nam Hạ (triều Tây Sơn), trấn lị Nam Định (năm 1822), tỉnh lị Nam Định (năm 1832) và trở thành một trong ba thành phố lớn ở Bắc Kỳ thời cận hiện đại.

Ngày 24/9/1998, thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại II, đến năm 2011, được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị; Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng quy hoạch, xây dựng phát triển thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Với tiềm năng, nội lực dồi dào, thành phố Nam Định đã và đang tận dụng mọi lợi thế, vận dụng bài học kinh nghiệm trong quá khứ, phát huy hào khí Đông A để xây dựng thành phố trở thành đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững...

  Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN 

Tham quan Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam”, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam cho rằng, nguồn tài liệu lịch sử từ các cơ quan lưu trữ rất dồi dào và phong phú. Việc các địa phương đưa những tài liệu này giới thiệu đến nhân dân là một cách làm mới mẻ và hiệu quả, giúp người dân, du khách có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa của một vùng đất, địa phương.

Ông Nguyễn Phi Dũng, người dân thành phố Nam Định cho hay, đây là lần đầu tiên ông được xem những tư liệu lịch sử quý giá về thành phố Nam Định, nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông hi vọng, những người con Nam Định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của ông cha, nỗ lực học tập, lao động, không ngừng sáng tạo, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Dịp này, Bảo tàng tỉnh Nam Định cũng tổ chức chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” Xuân Quý Mão 2023 nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực Nam Định và các sản phẩm OCOP của tỉnh; triển lãm sinh vật cảnh; giao lưu cổ vật và chợ bán đồ xưa; trình diễn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: biểu diễn rối nước, hát xẩm, ca trù, hát chầu văn, biểu diễn võ thuật…

Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam” và chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” diễn ra đến hết ngày 30/1./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/trien-lam-dau-an-thanh-nam-321594.html


top