Tin tức

Triển khai quy trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 chặt chẽ, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên tinh thần “hiệu quả, chặt chẽ, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất” trong tất cả các khâu khám, sàng lọc trước khi tiêm. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra vào chiều 12/3, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

* Xây dựng và triển khai quy trình tiêm chủng chặt chẽ

Báo cáo về tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, toàn lực lượng đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 21/NQ-CP ngà 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Tính đến 17 giờ ngày 12/3, cả nước đã triển khai tại 12 điểm tiêm của 10 tỉnh, thành phố cho 1.702 người: Hải Dương (293 người), Hà Nội (163 người), Thành phố Hồ Chí Minh (474 người), Gia Lai (200 người), Long An (30 người), Bắc Ninh (108 người), Bắc Giang (187 người), Hải Phòng (61 người), Hưng Yên (69 người) và Đà Nẵng (117 người).

Theo báo cáo ban đầu, trong số 1.702 người được tiêm, 11 trường hợp (trong đó, 6 người tại điểm tiêm của Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, 4 người tại điểm tiêm Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, 1 người tại Bệnh viện dã chiến Gia Lai) có phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3 như nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản)… Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm này hiện đều có sức khỏe ổn định trong vòng 1 ngày sau đó.

Về thông tin xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca ở một số nước châu Âu, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích của đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học. Theo đó, chưa tìm ra sự liên quan giữa những sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vaccine AstraZeneca, còn một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu. Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên tinh thần “hiệu quả, chặt chẽ, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất” trong tất cả các khâu khám, sàng lọc trước khi tiêm. Theo đó, sau khi tiêm, người được tiêm được theo dõi sức khỏe sau tiêm 30 phút tại chỗ và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo; khi có các dấu hiệu bất thường, đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Mỗi người tiêm sẽ được cấp một mã QR - theo mã số bảo hiểm y tế, sau đó liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe để tiếp tục theo dõi và nhắc thời gian tiêm mũi thứ 2 . Tất cả những người tiêm sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục và đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.

“Đây là quy trình được Bộ Y tế xây dựng, theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe người dân trong bối cảnh dịch bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

* Điều phối triển khai tiêm vaccine thống nhất theo Bộ Y tế

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin về việc đàm phán, nhập khẩu và mua vaccine AstraZeneca. Dự kiến, ngày 25/3 tới, những lô vaccine đầu tiên từ nguồn của Chương trình COVAX Facility (khoảng 1,37 triệu liều vaccine AstraZeneca) sẽ về đến Việt Nam. Trước đó, Chương trình COVAX Facility cam kết hỗ trợ 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam theo từng đợt trong năm 2021.

Hiện có hai nguồn vaccine AstraZeneca nhập khẩu về Việt Nam: Nguồn hỗ trợ của COVAX Facility (cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới, Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác lập ra; đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vaccine công bằng và hiệu quả), sau khi về đến Việt Nam được chuyển thẳng cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia triển khai.

Thứ hai, nguồn vaccine AstraZeneca nhập khẩu theo thỏa thuận ký kết giữa Bộ Y tế, Công ty AstraZeneca và Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (Hệ thống tiêm chủng VNVC). Theo đó, VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vaccine tại Việt Nam, cùng với COVAX Facility và UNICEF. VNVC chuyển giao vacine mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác trên thế giới như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V)… để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng để triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Đồng thời, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vaccine sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo khẳng định quan điểm huy động tất cả các kênh để tăng cường đàm phán về vaccine, huy động nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, các nguồn tài trợ. Ngay khi đã đủ vaccine ngừa COVID-19 vẫn phải tuân thủ nguyên tắc trong công bằng trong tiếp cận vaccine, thống nhất sự điều phối, triển khai tiêm vaccine theo Bộ Y tế.

* Rà soát lại các đơn vị làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Tại cuộc họp, liên quan đến việc quản lý đi lại, khai báo y tế của người dân, vận chuyển hàng hóa... tại một số điểm có dịch chưa thống nhất trước đây đã dẫn đến tình trạng ách tắc cục bộ, Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn thống nhất, thiết lập hệ thống công nghệ quản lý chặt chẽ người có nguy cơ lây nhiễm. Giải pháp này nhằm đảm bảo kiểm soát dịch bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ” hay kỳ thị trong xã hội.

Phân tích chính sách “visa vaccine” của một số nước, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT… hoàn thiện, sẵn sàng giải pháp và hệ thống kỹ thuật vào khoảng tháng 4/2021, căn cứ vào đánh giá mức độ an toàn của từng loại vaccine phòng COVID-19, từng nước để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ mục tiêu kép trong nước nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu của Ban Chỉ đạo đối với Bộ Y tế trong việc khẩn trương chỉ đạo, rà soát lại các đơn vị làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2; có báo cáo về các trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng khi ra nước ngoài lại có kết quả dương tính với virus trong thời gian qua.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 11 giờ ngày 12/3, thế giới ghi nhận hơn 119,1 triệu ca mắc COVID-19, hơn 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở trong nước, từ ngày 25/1 đến nay, cả nước ghi nhận 897 ca mắc COVID-19 tại 13 tỉnh, thành phố. Hiện 11/13 tỉnh, thành phố đã có trên 23 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trong 5 ngày gần đây, Hải Dương ghi nhận rải rác 1-2 ca/ngày, đều được cách ly trước đó./.

TTXVN/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/trien-khai-quy-trinh-tiem-vaccine-ngua-covid-19-chat-che-dam-bao-an-toan-o-muc-cao-nhat-255554.html


top