Với ước mơ chinh phục biển cả, tự ngàn xưa, người Việt đã xây dựng nên những truyền truyết về Rồng gắn liền với nhiều địa danh trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Ví dụ như thành phố Hải Phòng có huyện đảo Bạch Long Vĩ có nghĩa là “đuôi rồng trắng”; tỉnh Quảng Ninh có huyện đảo Vân Đồn gắn liền với địa danh vịnh Bái Tử Long có nghĩa là “đàn rồng con”, có cảng Cái Rồng có nghĩa là “rồng mẹ” và huyện đảo Cô Tô có bãi đá Móng Rồng. Ngày nay, ba huyện đảo này đang là điểm sáng trong việc phát triển kinh tế biển ở miền Bắc.
Với ước mơ chinh phục biển cả, tự ngàn xưa, người Việt đã xây dựng nên những truyền truyết về Rồng gắn liền với nhiều địa danh trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Ví dụ như thành phố Hải Phòng có huyện đảo Bạch Long Vĩ có nghĩa là “đuôi rồng trắng”; tỉnh Quảng Ninh có huyện đảo Vân Đồn gắn liền với địa danh vịnh Bái Tử Long có nghĩa là “đàn rồng con”, có cảng Cái Rồng có nghĩa là “rồng mẹ” và huyện đảo Cô Tô có bãi đá Móng Rồng. Ngày nay, ba huyện đảo này đang là điểm sáng trong việc phát triển kinh tế biển ở miền Bắc.
Du khách khám phá bãi đá Móng Rồng ở đảo Cô Tô. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ xa xưa đây là điểm trú ngụ của thuyền bè và ngư dân vùng biển Đông Bắc. Năm 1832, Tổng đốc Hải An là Nguyễn Công Trứ đã xin triều đình cho thành lập làng, xã và cắt cử người cai quản, canh phòng giặc từ hướng biển. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), Đảng và Nhà nước thành lập đơn vị hành chính cấp huyện trên đảo Cô Tô.
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô có diện tích tự nhiên trên 47 km2, dân số khoảng 6.700 người, với hơn 30 đảo lớn, nhỏ; trong đó, có 03 đảo lớn nhất là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần (còn gọi là đảo Chằn hay Chàng Tây). Đảo Cô Tô có phía Đông giáp hải phận quốc tế với chiều dài gần 200km từ ngoài khơi đảo Trần đến huyện đảo Bạch Long Vĩ. Đây là một trong những tiền đồn có vị trí hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại,… trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Âu cảng trên đảo Cô Tô. Ảnh: Trường Giang
Sự kiện đóng điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô vào năm 2013 cùng việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình giao thông đường thủy đã rút ngắn khoảng cách di chuyển từ đất liền ra đảo. Mặt khác, việc phát triển hạ tầng đường thủy cùng với lưới điện quốc gia đã biến trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cô Tô trở thành một điểm tựa vững chắc giúp ngư dân huyện đảo Cô Tô vươn xa bám biển dài ngày.
Từ một đảo cách xa đất liền, đến nay, Cô Tô đã có trên 30 con tàu cao tốc các loại kết nối các bến cảng Ao Tiên, Cái Rồng (Vân Đồn), Tuần Châu (Hạ Long), Vũng Đục (Cẩm Phả). Tháng 7/2023, tuyến bay thương mại bằng thủy phi cơ kết nối từ đảo Tuần Châu (Tp. Hạ Long) ra Cô Tô đã chính thức khai thác chở khách du lịch với thời gian chưa đến 20 phút bay đã tạo tiền đề để Cô Tô trở thành một phần “vùng động lực” theo định hướng tổ chức không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Cô Tô sở hữu rất nhiều bãi biển đẹp như Móng Rồng, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Tình Yêu, Vòm Si, Vụng Ông Viên… nằm rải rác khắp đảo. Có bãi trải dài cả cây số với cát trắng mịn, phẳng lì, có bãi lại nằm nép mình giữa những vách đá, uốn quanh hàng phi lao xanh ngắt. Không chỉ thế, vùng biển Cô Tô còn được coi là đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loài quý hiếm, có giá trị cao.
Những năm gần đây, du lịch, dịch vụ của Cô Tô có sự phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế của huyện đảo, mỗi năm đón trên 300.000 khách du lịch trong nước và quốc tế.
Toàn cảnh đảo Bạch Long Vĩ từ trên cao với 2 âu tàu tránh bão Bắc và Nam đang được khẩn trương hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam
Truyền thuyết thời Hùng Vương kể rằng, Biển Đông của người Lạc Việt xưa giàu có, vịnh sâu có ngọc trai, vụng lớn có nhiều hải sâm, bào ngư, tôm, cá. Thấy vậy, bọn hải phỉ thèm muốn liền tới cướp. Ngọc Hoàng thấy con Rồng cháu Lạc cõi Nam lầm than liền sai rồng mẹ cùng đàn rồng con xuống cứu giúp. Sau khi đánh tan bọn hải phỉ, rồng mẹ thấy vùng biển Bắc Bộ đẹp như gấm hoa bèn ở lại để bảo vệ con dân Lạc Việt. Để ghi nhớ sự tích này, người dân đã đặt tên cho một hòn đảo nằm ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ tên là Bạch Long Vĩ, có nghĩa là “đuôi rồng trắng”.
Ngày nay, Bạch Long Vĩ là huyện đảo nằm trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, cách Tp. Hải Phòng khoảng 110km. Dù diện tích khá nhỏ 2,33 km2 song đảo Bạch Long Vĩ lại giữ ví trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế biển. Vùng biển Bạch Long Vĩ là 1 trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có diện tích 1.500 hải lý vuông, độ sâu trung bình 35 - 55 m (nơi sâu nhất 60 - 70m), nền đáy tương đối phẳng nên thuận lợi cho việc phát triển nghề đánh bắt, khai thác hải sản trên biển. Trong vùng biển Bạch Long Vĩ có tới gần 400 loài hải sản, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: cá song, cá mú, hải sâm, rong nho, rong loa gai, rong mơ, rong quạt… Đặc biệt, nơi đây được coi là “thủ phủ” của bào ngư mang giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.
Âu tàu phía Nam (mặt chính) đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam
Là ngư trường lớn, nên huyện đảo Bạch Long Vĩ được đầu tư xây dựng trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc. Hệ thống âu tàu, cầu cảng ở Bạch Long Vĩ đáp ứng khoảng gần 2.000 lượt tàu thuyền tránh trú bão, mua bán, trao đổi hải sản, cung ứng lương thực thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt. Đây là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn tàu cá từ khắp các địa phương trong cả nước.
Bạch Long Vĩ có cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Hệ sinh thái rạn san hô phát triển nhất Vịnh Bắc Bộ, độ che phủ lớn, có nơi đã từng có độ phủ đến 90%. Bên cạnh đó, trên đảo và vùng bờ đảo, vành đai xanh của hệ sinh thái đảo nổi, các hệ sinh thái bãi biển, cùng với các công trình xây dựng và kiến trúc như hải đăng, điện gió, trạm khí tượng, trạm nghiệm triều, cảng, công viên cây xanh, khu nuôi bào ngư; các công trình văn hóa: nhà bảo tàng, đài tưởng niệm, chùa Bạch Long, đền thờ Đức Thánh Trần, Lầu Phật… tạo ra tiềm năng du lịch lớn.
Cầu Vân Tiên (Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái) nối huyện Vân Đồn với huyện Tiên Yên. Ảnh: Trường Giang
Vân Đồn xưa vốn là một thương cảng lớn, từng được mệnh danh là điểm xuất phát của "con đường tơ lụa" trên biển, là nơi giao thương với các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… Thương cảng cổ này thịnh vượng suốt 3 triều đại Lý - Trần - Hậu Lê rồi bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Ngày nay, huyện đảo Vân Đồn gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, nằm phần lớn trên khu vực vịnh Bái Tử Long và một phần ở vịnh Hạ Long nên có nhiều lợi thế về giao thông đường biển, hàng không và đường bộ. Đặc biệt, Vân Đồn là điểm giao thoa của hành lang kinh tế: Vành đai kinh tế Việt - Trung và hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Đây có thể nói là những lợi thế vượt trội và khác biệt của huyện đảo này.
Vân Đồn còn có lợi thế về nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê, diện tích nuôi cá của huyện là 1.156ha, nuôi nhuyễn thể là 6.288ha. Căn cứ vào các yếu tố như nguồn nước, độ sâu, dòng nước, phù du… diện tích nuôi biển của huyện được phân chia thành 71 vùng nuôi với 62 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp mã để truy xuất nguồn gốc.
Vân Đồn có vịnh Bái Tử Long nằm kế bên kì quan vịnh Hạ Long. Đây là quần thể đan xen các đảo đá, đảo đất và dân cư sinh sống, nhiều bãi biển thoai thoải cát trắng trải dài, kín gió và kín sóng được bao bọc bởi rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Bái Tử Long - "viên ngọc thô" của hệ sinh thái Việt Nam. Việc Vân Đồn chính thức đưa bến cảng cao cấp Ao Tiên đi vào hoạt động đã giúp “vùng đất Rồng” lột xác về diện mạo, trở thành địa phương sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông không - thuỷ - bộ hiện đại bậc nhất trong các huyện đảo Việt Nam với sân bay, đường cao tốc, cảng tàu khách hiện đại, tạo thêm sức hút mới cho vùng thương cảng xưa và tạo đà cho việc khai thác vịnh Bái Tử Long.
Việc sở hữu một hạ tầng giao thông phát triển cùng hệ cảnh quan, sinh thái nguyên sinh đa dạng đã giúp Vân Đồn trở thành "tọa độ vàng" hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến tham quan, đầu tư ngày càng đông.
Cảng Cái Rồng ở huyện Vân Đồn là một trong những cảng vận tải có quy mô lớn nhất tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đây là nơi tập trung khai thác có tuyến tàu du lịch tham quan đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, đảo Ngọc Vừng,.. Ảnh: Trường Giang
- Bài: Thông Thiện
- Ảnh: Hoàng Hà, Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam, Trường Giang
- Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/tren-nhung-vung-dao-rong-371688.html