Kinh tế

Trên cánh đồng ngao

Nuôi ngao mấy năm trở lại đây được xem là nghề “ăn nên làm ra” của người dân vùng biển Đồng Châu (Tiền Hải, Thái Bình). Có người còn bảo, nuôi ngao là nghề "một vốn bốn lời", điều đó đúng sai không biết thế nào nhưng xem ra cuộc sống của dân vùng ngao Đồng Châu cũng không đến nỗi nào, bởi nghề nuôi ngao cũng đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở vùng biển vốn vắng bóng khách du lịch này trở nên khấm khá hơn trước.
Suốt 7,5 km các bãi bồi ven bờ biển xã Đồng Minh, người ta bắt gặp vô số những chòi canh ngao cất cao lô nhô trên mặt nước trông giống như những ngôi nhà sàn của người miền núi, trông xa như những bản làng trên biển. Mỗi lần vào dịp thu hoạch chính, trên những cánh đồng nuôi ngao ven biển, người ta lại thấy cảnh những người phụ nữ ngồi xếp hàng dài trên mặt cát hoặc đầm mình trong nước để cào và mò bắt ngao. Họ làm miệt mài không kể ngày hay đêm, miễn là có yêu cầu của chủ ngao và phụ thuộc vào con nước thủy triều lên xuống.
 

Biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trải dài hàng chục km,
rất thuận lợi cho việc nuôi ngao thịt.

Những thửa ngao nuôi được quây chặt để tránh ngao đi mất khi thủy triều lên.

Công cụ lao động chỉ đơn giản là cái “mai”và công việc cào ngao thuê của họ bắt đầu.

Vào vụ thu hoạch ngao có cả mấy trăm người lao động làm thuê một lúc cho chủ đồng ngao, họ chủ yếu là phụ nữ trong vùng.

Số ít người ko thích làm thêm lại tự mình tìm kiếm những con ngao có không nhiều ngoài tự nhiên.

Hầu hết số ngao loại tuyển chọn được rửa sạch rồi đem về nơi tàu bè tập kết. Thương lái thường xuất khẩu ngao
vào thị trường Trung Quốc với giá bán cao.

Khi thủy triều bắt đầu lên việc thu hoạch ngao là khá vất vả,
buộc những người phụ nữ phải ngâm mình nhiều giờ trong nước biển.

Quá trưa, khi đã thấm mệt vì ngâm nước, họ mới trở về và cũng là lúc thủy triều bắt đầu lên.

Khi nước lên, những người phụ nữ cuối cùng trở về bỏ lại đồng ngao vắng lặng sau một buổi lao động vất vả.

Những phu ngao làm thuê cũng gấp rút gom góp lại số ngao đã thu được trong buổi sáng cho kịp khi nước sắp lên.

Nhờ nuôi ngao mà mấy năm gần đây cuộc sống của cư dân nơi đây được ấm no, hạnh phúc
và là nguồn kinh tế chủ lực của địa phương.

Những khi thủy triều xuống, con nước rút ra xa bờ, các bãi nuôi ngao lộ ra, ấy cũng là lúc mọi công việc được bắt đầu. Công việc tuy vất vả nhưng được cái thu nhập cũng khá, khoảng 2 triệu đồng/ tháng, tức cao hơn làm ruộng, nên ai cũng ham làm. Giống ngao được nuôi ở đây có hai loại, loại thứ nhất là "ngao đế", giống ngao bắt từ tự nhiên, rất ít và khó nuôi nhưng chất lượng thương phẩm cao, xưa thường được dùng cung tiến cho vua chúa. Loại thứ hai được nuôi nhiều hơn là giống ngao trắng miền Nam, sinh trưởng phát triển phù hợp với vùng đất bãi triều ven biển Thái Bình. Ngao trắng khi nuôi thả ở vùng bãi triều sẽ phát triển và sinh sản tự nhiên, nhờ đó tạo được một phần nguồn giống tại chỗ cho những hộ nuôi ngao, giúp giảm giá thành sản xuất.
Được biết, con ngao đóng góp đến 70% tỉ trọng phát triển kinh tế của xã Đồng Châu. Cả xã hiện có khoảng gần 300ha nuôi ngao. Cứ 1ha ngao, đầu tư khoảng 200 triệu đồng, nếu gặp điều kiện thuận lợi sau 1 năm có thể thu hoạch được khoảng trên dưới 1 tỉ đồng. Hiện cả xã có hơn 2400 hộ dân thì có trên 300 hộ nuôi ngao, trung bình tạo việc làm thường xuyên cho khoảng hơn 500 lao động, trong đó đa phần là lao động nữ.
Có thể nói, con ngao không chỉ mang lại cho người dân Đồng Châu một cuộc sống mới mà còn góp phần làm giàu cho một vùng quê nghèo xứ biển vốn không có tiềm năng phát triển du lịch này./.
Bài và ảnh: Trần Huấn

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tren-canh-dong-ngao-23499.html


top