Nghệ thuật

Tranh cát Phi Long

Từ những hạt cát vô tri, bằng óc sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật và cả tấm lòng nhân ái sẵn sàng sẻ chia, Đỗ Đặng Phi Long và những người bạn khuyết tật của mình đã làm nên những bức tranh cát tuyệt đẹp.
Ai đã một lần đến với cơ sở làm tranh cát nghệ thuật Phi Long ở hẻm 444 đường Thủ Khoa Huân, phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sẽ không khỏi ngạc nhiên trước một thế giới đầy mê hoặc của những bức tranh cát với nhiều chủ đề như thiên nhiên, muông thú, chân dung, danh lam thắng cảnh... Thậm chí có những tác phẩm rất nhỏ, chỉ từ 5-10mm, nhưng hai mặt của tác phẩm là hai bức tranh với hai chủ đề khác nhau. Tất cả những tác phẩm đặc biệt ấy là thành quả đáng kính trọng của những người nghệ sĩ tật nguyền ở cơ sở tranh cát nghệ thuật Phi Long, mà đứng đầu là nghệ nhân Đỗ Đặng Phi Long.

Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lên 1 tuổi (năm 1989), Phi Long đã bị viêm phổi nặng và di chứng để lại là không nói và không nghe được. Phi Long được gia đình cho theo học nội trú ở Trường khuyết tật Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé (cũ). Tại đây, anh đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Năm 2005, trong khi đi tham quan lễ hội “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Phi Long tình cờ nhìn thấy những bức tranh cát độc đáo của họa sĩ Ý Lan (nghệ sĩ tranh cát nổi tiếng Việt Nam - PV) và anh đã bị những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này cuốn hút. Sau đó, anh quyết định cùng mẹ tìm vào tận nhà nghệ sĩ Ý Lan ở Tp. Hồ Chí Minh để xin học nghề. Chỉ sau một năm, Phi Long đã trở thành một nghệ nhân tranh cát lành nghề. Trở về Phan Thiết, Phi Long bàn với mẹ mở một lớp dạy nghề miễn phí cho những thanh niên đồng cảnh ngộ đang gặp khó khăn, và cơ sở tranh cát Phi Long ra đời từ đó. Bằng năng khiếu sư phạm bẩm sinh, Phi Long đã tận tình hướng dẫn họ đến với nghệ thuật tạo hình bằng sắc màu của những hạt cát quê hương.
 

Cơ sở sản xuất tranh cát Phi Long.

Nghệ nhân Phi Long đang sáng tác tranh cát.

Cơ sở đào tạo nghề tranh cát Phi Long.

Nghệ nhân Phi Long hướng dẫn học viên kỹ thuật làm tranh cát.

Một tác phẩm đang dần hình thành theo bản mẫu.

Tính đến nay đã có 7 lớp tranh cát với hơn 180 học viên là người khiếm thính, tàn tật từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa được Phi Long đào tạo thành nghề. Và cơ sở tranh cát Phi Long rộng 500m2 ở hẻm 444 đường Thủ Khoa Huân hiện nay là do chính quyền tỉnh Bình Thuận tạo điều kiện cho Phi Long thuê để làm trụ sở và xưởng sản xuất. Tại đây, người khuyết tật không chỉ được học miễn phí mà còn được lo nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Lợi nhuận thu được từ bán tranh, Phi Long cũng chia đều cho mọi người dựa trên công sức đóng góp của từng người. Tính ra mỗi người thu nhập cũng được gần hai triệu đồng mỗi tháng. Ai đã thạo nghề, muốn làm việc lâu dài đều có thể được cơ sở đón nhận.

Chị Nguyễn Thị Kim Thúy (28 tuổi, phường Phú Trinh, Tp. Phan Thiết), nghệ nhân lâu năm nhất tại cơ sở Phi Long cho biết, nếu chịu khó, tỉ mẫn và quyết tâm theo nghề thì chỉ cần học 3 - 4 tháng là có thể làm thành thạo, khó nhất là làm tranh chân dung vì phải làm thế nào để khắc họa được thần thái trên khuôn mặt của nhân vật.

Có chứng kiến một buổi làm tranh cát của những người nghệ sĩ không may mắn ở xưởng tranh Phi Long mới thấy được hết tài năng và lòng yêu nghề của họ. Bằng tình yêu, lòng mẫn cảm trước nghệ thuật và cả sự tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết, họ đã thổi hồn mình vào những hạt cát vô tri để làm nên những tác phẩm nghệ thuật lay động lòng người.


Nghệ nhân Phi Long bên trong phòng trưng bày và giới thiệu tranh cát.

Tỉ mỉ cho từng hạt cát vào đúng với bố cục bức tranh.

Tác phẩm tranh cát “Đồi cát Mũi Né”.

Tác phẩm tranh cát “Cụ già quê”.

Tranh cát trong ly thủy tinh.

Vào phòng trưng bày tranh cát Phi Long, ấn tượng nhất đối với du khách chính là bộ sưu tập những tác phẩm về Bác Hồ với những hình ảnh sinh động về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của Người. Trong đó đáng chú ý có bức tranh “Bác Hồ làm việc ở phủ Chủ tịch” do chính Phi Long thực hiện nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Bác. Bức tranh dài 1,2m, cao 0,6m, được thực hiện liên tục trong hơn 3 tháng, tốn hết 20kg cát với khoảng 30 màu sắc khác nhau. Bức tranh được đặt trang trọng trong một khung kính dày 10mm. Điều đặc biệt là mặt trước của bức tranh là hình ảnh Bác Hồ đang ngồi viết báo ở Phủ Chủ tịch, còn mặt sau lại là hình ảnh phong cảnh đồi cát Mũi Né hiện lên trong sương sớm.

Tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam diễn ra ở Malaysia vào năm 2009, không ít du khách nước ngoài đã tỏ ra vô cùng bất ngờ khi biết rằng, những bức tranh cát tuyệt đẹp của Phi Long được làm nên bằng chính bàn tay của những người khuyết tật Việt Nam.

Với lòng khát khao sống và cống hiến, những người nghệ sĩ khuyết tật ở cơ sở Phi Long đã nỗ lực vượt qua số phận để làm ra hàng ngàn bức tranh cát có giá trị nghệ thuật, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với bè bạn khắp nơi trên thế giới./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tranh-cat-phi-long-39439.html


top