Người Mông xanh sinh sống ở rải rác ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái. Giống như những phụ nữ dân tộc Mông khác, người phụ nữ Mông xanh đeo trang sức bằng bạc để làm đẹp, thể hiện sự giàu sang của mỗi người và dòng tộc. Đồng thời những bộ trang sức bạc trên trang phục cũng thể hiện những thông điệp về văn hóa của tộc người.
Trang sức bạc của phụ nữ Mông xanh gồm có vòng cổ, vòng tay và các hoa tiết hoa văn trang trí trên váy áo được chạm khắc từ bạc trắng rất cầu kỳ và độc đáo.
Vòng cổ của phụ nữ Mông xanh có hai loại. Một loại được chạm theo kiểu hình tròn, có chu vi từ 45cm-55cm. Loại vòng cổ này được gia đình dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng. Thông thường họ thường đeo khoảng 8 chiếc vòng cổ loại này để làm đẹp thêm cho bộ trang phục của mình.
Bên cạnh đó còn có vòng cổ dùng để chống tà ma, loại vòng cổ này gồm 3 dây bạc gồm các dây xích, tua tòng teng với nhiều hình thù gắn lại với nhau. Với loại vòng này, ở giữa nhất thiết phải có miếng bạc hình tròn được chạm khắc hoa văn tượng trưng cho Thần mặt trời. Theo quan niệm của người Mông xanh, Thần mặt trời là vị thần có sức mạnh tối thượng trong đời sống tâm linh, ban phát sự sống và ánh sáng cho nhân gian.
Người Mông xanh thường đeo những bộ trang sức cầu kỳ và độc đáo trong các dịp lễ hội, các dịp vui của bản làng.
Tấm trang sức lá chắn bằng bạc của người Mông xanh đeo trước ngực có họa tiết tượng trưng cho Thần Mặt Trời.
Trong quan niệm của người Mông xanh, Thần Mặt Trời là vị thần có sức mạnh tối thượng,
ban phát ánh sáng và sự sống trên thế gian.
Tấm chắn trang sức bằng bạc ở bộ phận bụng của người phụ nữ Mông xanh.
Đằng sau gáy trên trang phục người phụ nữ Mông thường có những tua nối với những đồng bạc trắng.
Tùy theo sự khá giả của gia đình mà số đồng bạc được gắn nhiều hoặc ít đi
nhưng phải tuân thủ theo quy định 5 – 10 – 15 hoặc 20 đồng bạc.
Trang sức trên trang phục của người phụ nữ Mông xanh có gắn rất nhiều đồng bạc trắng tượng trưng cho sự giàu có.
Bộ dây chuyền trang sức bằng bạc của người Mông xanh cũng có mang những họa tiết tượng trưng cho Thần Mặt Trời.
Dải vòng thắt eo trên trang phục người Mông xanh được gắn các tua bạc rất cầu kỳ.
Trên vành đai thắt lưng của người phụ nữ Mông xanh gắn rất nhiều tua bạc
và đồng tiền để phát ra âm thành vui tai trong quá trình di chuyển.
Cổ tay trên trang phục người Mông xanh thường gắn rất nhiều tua bạc.
Những tua bạc này sẽ va chạm phát ra âm thanh trong quá trình di chuyển.
Nguồn gốc của các âm thanh tua bạc này là để người Mông xanh dễ nhận ra nhau trong lúc đi rừng hoặc lên nương.
Trên những dây chuyền trang sức bạc của người Mông xanh thường có các hình như cá, hoa, trống, tấm lá chắn.
Những vật dụng này rất gần gũi và quen thuộc trong đời sống của người Mông xanh.
Người phụ nữ Mông xanh với những trang sức bạc cầu kỳ biểu diễn các điệu múa truyền thống trong các dịp vui của bản làng. |
Vòng tay của phụ nữ Mông xanh thường được chạm bạc với các hình khác nhau dùng để trang trí cho bộ trang phục thêm đặc sắc. Những họa tiết được trạm trổ trong vòng tay của phụ nữ Mông xanh thường là chim muông, cỏ cây hoa lá, gắn với cuộc sống lên nương kiếm sống hàng ngày của họ.
Ngoài những bộ trang sức vòng cổ, vòng tay, người phụ nữ Mông xanh còn gắn lên váy áo những đồ trang sức có hình tròn, hình thoi cho bộ tà xích bên hông để tô điểm cho bộ trang phục truyền thống của họ thêm đặc sắc.
Đặc biệt, trong những đồ trang sức gắn lên váy áo người phụ nữ Mông xanh có rất nhiều đồng bạc. Những đồng bạc này thường là đơn vị tiền tệ được sử dụng trong thời Pháp thuộc. Từ xưa, người Mông xanh quan niệm rằng, nhìn bộ váy áo có gắn nhiều đồng bạc thì biết đó là con cái của già đình quyền quý, giàu có.
Ngày nay, người Mông xanh còn dùng chất liệu nhôm, hợp kim để làm cho đồ trang sức thêm lạ mắt và độc đáo. Vào ngày lễ, Tết, những cô gái Mông xanh thường đeo trang sức đi kèm bộ trang phục để đi chơi tạo nên sắc mầu lạ mắt, khác biệt trong cộng đồng người Mông ở Tây Bắc./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Thông Thiện
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/trang-suc-bac-cua-phu-nu-mong-xanh-84907.html