Chế tác, sưu tập những mô hình thu nhỏ dường như không còn xa lạ đối với nhiều người dân ở Tp. Hồ Chí Minh nhưng với những mô hình siêu nhỏ giống như nguyên bản với kích thước tính bằng milimet với độ khó rất cao thì chỉ có Trần Giang Nam và một số ít nghệ nhân ở Việt Nam có thể thể làm được. Trong suốt 15 năm kiên trì theo đuổi công việc này, Trần Nam Giang đã tạo ra bộ sưu tập gần 400 mô hình siêu nhỏ, "độc và lạ", được công nhận là Kỷ lục gia của những tác phẩm siêu nhỏ.
Xuất phát từ ngành thiết kế đồ họa, anh Trần Giang Nam cũng không nhớ bản thân đã rẽ sang nghề tay trái làm mô hình tí hon từ khi nào. Anh tâm sự: "Hồi bé tôi đã say mê những bộ đồ chơi mô hình. Năm 2000 tôi được thăm triển lãm mô hình siêu nhỏ của nghệ nhân Nga và từ đó bắt đầu nảy sinh ý tưởng thực hiện bộ sưu tập tí hon với những chiếc xe cổ, côn trùng".
Nhưng lúc đó Trần Giang Nam vẫn tập trung vào nghề chính là thiết kế logo, những lúc rảnh anh mới nghiên cứu làm mô hình để thỏa đam mê và chỉ xem đây là nghề tay trái. Vài năm gần đây Giang Nam chuyển hẳn sang làm mô hình tí hon để kinh doanh trên internet. "Khách hàng của tôi chủ yếu là người nước ngoài, trong đó đa số là người Nhật Bản vì họ có thói quen thích sưu tập những sản phẩm thủ công, đòi hỏi tính tỉ mẩn, công phu" - kỷ lục gia chia sẻ.
Anh Trần Nam Giang với sở thích là chế tác những mô hình siêu nhỏ.
Nguyên liệu để lãm mô hình là những sợi đồng, miếng đồng mỏng nhỏ.
Dụng cụ thực hiện là những đồ vật như nhíp, cây gắp, kéo, dao…
Các bản phác thảo được anh Nam Giang phân tích tỉ mỉ từng chi tiết.
Để chế tác nhưng mô hình siêu nhỏ cần phải tập trung cao độ.
Tỉ mỉ cẩn thận trong từng chi tiết.
Giang Nam cẩn trọng trong từng chi tiết để ghép chính xác các chi tiết với nhau.
Giang Nam cho biết, những mô hình khó cần độ tinh xảo thì thời gian thực hiện có khi lên đến 1 – 2 năm. |
Trần Giang Nam chia sẻ, làm mô hình siêu nhỏ mất rất nhiều thời gian, nhanh thì 3 tháng, nhiều có khi đến 1-2 năm mới hoàn thành. Mỗi tác phẩm phải quan nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ từng chi tiết từ giải phẩu vật thể, tìm vật liệu thích hợp, gia công các chi tiết, sau đó lắp ráp, phối màu, phối cảnh…
Các vật liệu dùng làm mô hình thường là dây đồng, thép, nhôm, mạch điện, mùn cưa và composite (vật liệu tổng hợp). Những vật tư này được tận dụng trong các thiết bị máy móc cũ. Đa số đều là “rác” mà người khác không cần sử dụng nhưng khi qua bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh tường của anh lại trở thành những sản phẩm độc đáo, có giá trị. Ngoài ra, anh còn sử dụng cả vàng, bạc, titan và đồ trang sức đắt tiền khác để làm các tác phẩm cầu kỳ, có giá trị cao theo đơn đặt hàng của khách.
Trần Giang Nam đã chế tác được gần 400 tác phẩm được đo bằng milimet với nhiều chủ đề như: xe cổ, máy bay, côn trùng và những hoạt động trong đời sống thường nhật. Mỗi tác phẩm này khi được đặt mua thường có giá hơn 4 triệu đồng (khoảng 200 USD). Tác phẩm đắt giá nhất của anh là chiếc xe cổ BMW - R51 (sản xuất 1954) được bán với giá hơn 70 triệu đồng (3.000 USD).
Kỷ lục gia cho biết, với những mẫu mới hoặc khi thực hiện công đoạn lắp ráp, định hình sản phẩm thì cần nơi làm việc yên tĩnh để tránh phân tâm, phòng phải kín gió. Anh Nam tâm sự: “Nhiều lúc nóng bức, áo ướt sũng mồ hôi, nhưng tôi cũng không dám bật quạt để tránh làm bay các tác phẩm. Khi bị mất một chi tiết nào đó là coi như phải ngồi làm lại".
Mô hình chiếc xe vespa cổ.
Mô hình phu kéo xe.
Mô hình xe máy.
Mô hình xe lam.
Mô hình đàn kiến siêu nhỏ.
Mô hình thể hiện một cuộc thi marathon dang chạy nước rút.
Mô hình tái hiện lạ tàu Ngọc Trai Đen trong phim Cướp biển vùng Caribe.
Mô hình máy bay siêu nhỏ.
Mô hình máy bay đạt đến độ tinh xảo.
Mô hình Chùa Một cột. |
Việc chế tác những mô hình siêu nhỏ này đòi hỏi ở người thợ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khả năng ước lượng về tỉ lệ rất cao. Vì vậy đã có rất nhiều người bỏ cuộc sau vài tuần theo anh học nghề. Trần Giang Nam cho biết, trời phú cho anh có đôi mắt tinh tường nên khi chế tác không cần nhờ đến sự hỗ trợ của kính lúp mà vẫn thấy rõ từng chi tiết bé xíu. Theo anh, nhìn bằng mắt thường là rõ nhất, vì sẽ không bị vướng những giới hạn của dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như điểm mù. Như vậy mọi chi tiết của mô hình mới chuẩn như nguyên bản, không bị sai lệch. Chính sự cần mẫn, tính thủ công cao, không bị phụ thuôc vào máy móc kỹ thuật đã tạo nên sự khác biệt giữa tác phẩm của Giang Nam với những siêu phẩm siêu nhỏ của các tác giả khác trên thế giới.
Trần Giang Nam mong muốn chế tác thật nhiều những mô hình gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt Nam như hình ảnh xe xích lô, tà áo dài, nón lá, người nông dân gánh lúa, gánh hàng rong hay các công trình kiến trúc tiêu biểu. Bởi, anh muốn gìn giữ và giới thiệu đến bạn bè quốc tế những nét đẹp của quê hương thông qua mỗi tác phẩm siêu nhỏ công phu./.
Thực hiện: Nguyễn Luân - Thông Hải
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tran-nam-giang-ky-luc-gia-cua-nhung-mo-hinh-sieu-nho-187085.html