Trà cụ (dụng cụ uống trà) mang đậm phong cách Việt đã được giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế qua Triển lãm “Nghệ thuật ứng dụng trong văn hóa Trà phương Đông” mới diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh.
Từ xa xưa, trà đã được xem như một loại thuốc, có lợi cho sức khỏe con người nếu được dùng đúng cách, điều độ. Lâu dần, trà đã dần trở thành một thức uống và việc thưởng thức trà còn được nâng tầm lên như một nét văn hóa đặc sắc ở các nước phương Đông. Trong đó, văn hóa trà Việt cũng hình thành từ hàng nghìn năm qua với những dụng cụ uống trà gồm ấm, chén, muỗng… cùng cách thưởng thức mang đặc trưng rất riêng.
Trong số các hiện vật trưng bày trong không gian Triển lãm “Nghệ thuật ứng dụng trong văn hóa Trà phương Đông”, nhóm trà cụ Việt Nam gồm 122 hiện vật đã thể hiện những gì tinh hoa nhất của văn hóa trà Việt, bao gồm: Bộ sưu tập gốm cổ thời Lý (thế kỷ 11-13), thời Trần (thế kỷ 13-15), gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất (thế kỷ 19); các hiện vật mang nhiều phong cách đa dạng của các dòng gốm nổi tiếng Việt Nam như: gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Sài Gòn, Lái Thiêu...

Các hiện vật mang nhiều phong cách đa dạng của các dòng gốm nổi tiếng
Việt Nam như: gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Sài Gòn, Lái Thiêu.

Liễn, tô, chén dùng uống trà, thời Lý – Trần TK11-14.

Một mẫu đồ uống trà Nhật biểu hiện cho mối giao lưu văn hóa Việt - Nhật.

Ấm, gốm men xanh trắng, TK15.

Ấm, kim loại, TK17-18.

Bộ chén Tống – Quân hiệu đề “Mỹ Ngọc”, gốm men xanh trắng, TK19.

Chén có nắp, gốm men màu, cuối TK 19 – Lái Thiêu.

Chén có nắp hiệu đề “Minh Mạng” (pháp lam, TK19) và Bộ chén Tống – Quân hiệu đề “Nội Phủ”.

Ấm, đất nung, TK19.

Ấm, gốm men màu, TK 19, Quảng Đức.

Bộ ấm chén, gốm men xanh trắng, TK19, Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất.

Ấm, gốm men màu, đầu TK20, Lái Thiêu.

Bộ đồ trà, gốm men màu, đầu TK20, gốm Lái Thiêu.

Triển lãm “Nghệ thuật ứng dụng trong văn hóa Trà phương Đông” giới thiệu nhiều hiện vật trà cụ độc đáo. |
Đặc biệt, các nhà sưu tập tư nhân còn góp vào Triển lãm các bộ đồ trà độc đáo như: bộ ấm chén bằng sứ men xanh trắng có hiệu đề “Tự Đức niên tạo” của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Triết, bộ chén có nắp bằng chất liệu pháp lam hiệu đề “Minh Mạng” của nhà sưu tập Nguyễn Thanh Tuyền... Ban tổ chức cũng trưng bày một số bộ trà mới mang phong cách hiện đại kết hợp với hoa văn cổ điển gần gũi với văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ngoài ra, văn hóa trà cụ Việt Nam còn được thể hiện qua các hiện vật của dòng gốm Annam Yaki (gốm An Nam) trong nhóm trà cụ Nhật Bản trưng bày tại Triển lãm. Đó là các bộ đồ trà hoàn chỉnh thuộc loại gốm hoa lam của các lò gốm Chu Đậu ở Đàng Ngoài thời Lê - Mạc (thế kỷ 16-17) được xuất khẩu sang thị trường Nhật. Các hiện vật đặc biệt này là nhân chứng cho mối giao lưu văn hóa Việt - Nhật, trong đó, trà cụ có nguồn gốc Việt Nam đã góp một phần để tạo nên nét tao nhã của các dụng cụ pha trà và uống trà theo nguyên tắc “hòa kính thanh tịch” của Nhật Bản.
Tại Triển lãm, công chúng cũng có cơ hội được tìm hiểu về văn hóa thưởng trà của người Việt qua nghệ thuật pha chế và thưởng thức trà. Ông Julian Green, du khách Mỹ cho biết: “Tôi rất vui vì đi du lịch Việt Nam lại tình cờ được tìm hiểu văn hóa trà của các bạn. Đây quả thực là một nét văn hóa đẹp của người Việt, mang đến cho du khách quốc tế nhiều điều thú vị”./.
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tra-cu-cua-nguoi-viet-107202.html