Tiêu điểm

Tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bền vững

Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Trong suốt 50 năm qua, đặc biệt, từ khi hai nước nâng tầm lên Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013, quan hệ Việt Nam – Italy luôn được các thế hệ lãnh đạo hai nước thường xuyên vun đắp, củng cố, đã và đang phát triển tích cực, toàn diện, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Trong suốt 50 năm qua, đặc biệt, từ khi hai nước nâng tầm lên Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013, quan hệ Việt Nam – Italy luôn được các thế hệ lãnh đạo hai nước thường xuyên vun đắp, củng cố, đã và đang phát triển tích cực, toàn diện, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là cột mốc quan trọng, đánh dấu tình hữu nghị và quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa song phương ngày càng phát triển. Quan hệ Italy-Việt Nam kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao là mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị về mọi mặt. Tinh thần đó đã được thể hiện qua sự đoàn kết của người dân Italy đối với nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ những nền tảng đó, Italy và Việt Nam đã tiếp tục đoàn kết và hỗ trợ nhau trên trường quốc tế dựa trên những lợi ích chung.

Quan hệ Việt Nam- Italy kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao là mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị về mọi mặt. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi hai nước nâng mức quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2013, mối quan hệ hợp tác đã ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Về thương mại, nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt 1,4 tỷ USD, thì tới năm 2022 kim ngạch đã đạt 6,2 tỷ USD. Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục là một trong những ưu tiên trong quan hệ hai nước khi hai bên cùng khuyến khích và hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì lễ đón Thủ tướng Italy Matteo Renzi thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 9/6/2014). Ảnh: Đức Tám – TTXVN
“Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy” vào tháng 1/2013. Ảnh: TTXVN

Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, du lịch, giao lưu nhân dân cùng nhiều lĩnh vực khác tiếp tục phát triển tích cực. Hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại Italy và Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, Chính phủ Italy đã giúp đỡ Việt Nam trong việc trùng tu, bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Về giáo dục - đào tạo, hai bên ký kết và triển khai nhiều dự án hợp tác. Chính phủ Italy hằng năm đều cung cấp các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Cùng với số lượng khách du lịch giữa hai nước tăng mạnh trong những năm gần đây, giao lưu nhân dân là cầu nối, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.

Công ty TNHH Piaggio Việt Nam tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là hình mẫu tiêu biểu của doanh nghiệp Italy đầu tư tại Việt Nam nhiều năm qua. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN và Italy là đối tác Liên minh châu Âu (EU) lớn thứ 4 của Việt Nam. Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia tiếp tục ưu tiên thúc đẩy thương mại, đầu tư đến năm 2030. Nhiều nhà đầu tư của Italy trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo đều hoạt động hiệu quả, thành công tại Việt Nam, trong đó có Bonfiglioli, Piaggio, Danieli, Datalogic, Ariston. 

Hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Italy cũng đang phát triển tích cực. Nhiều địa phương hai nước trao đổi, kết nối đối tác, hợp tác như Bình Dương, Bình Phước với vùng Emilia Romagna, Bà Rịa-Vũng Tàu với vùng Veneto, Hà Nội với vùng Lazio và Roma, Lâm Đồng với Como...

Italy và Việt Nam lần lượt là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Italy đã trở thành đối tác phát triển của ASEAN vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Liên minh châu Âu và Việt Nam cũng có quan hệ mật thiết. Những kết nối khu vực này đem lại những cơ hội mới cho tình hữu nghị giữa hai nước.


Hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại Italy và Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong năm 2023, các hoạt động kỷ niệm được đưa vào chương trình nghị sự hợp tác hai bên để phối hợp. Mỗi bên sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp với kế hoạch công tác và đặc thù của từng nơi và sẽ sử dụng chung logo 50 năm quan hệ đã được Bộ Ngoại giao hai nước thông qua. Đại sứ quán Việt Nam tại Italy dự kiến 3 đợt hoạt động chính là Lễ khai mạc Năm Việt Nam - Italy cùng tổ hợp các hoạt động kỷ niệm (tháng 3/2023); Lễ kỷ niệm và Tiệc Chiêu đãi 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy cùng tổ hợp các hoạt động kỷ niệm (quý III/2023); Lễ bế mạc Năm Việt Nam - Italy cùng tổ hợp các hoạt động kỷ niệm (tháng 12/2023).

Các hoạt động kỷ niệm gắn liền các buổi lễ nêu trên cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ Năm Việt Nam - Italy 2023 sẽ được sắp xếp và tổ chức linh hoạt, bao gồm các sự kiện như các triển lãm, hội thảo, phim tư liệu về tình đoàn kết, lịch sử quan hệ hai nước; hội thảo về quãng đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italy; các sự kiện trình diễn thời trang, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam, triển lãm ảnh về đất nước, con người Việt Nam, tuần phim Việt Nam, các sự kiện giới thiệu ẩm thực, du lịch, văn hóa Việt Nam... Và rất nhiều hoạt động về hợp tác kinh tế như diễn đàn, hội thảo, tham gia các hội chợ lớn và các hội thảo chuyên đề giữa các nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia hai nước..../.

 Bài: VNP   Ảnh: TTXVN

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/tiep-tuc-xay-dung-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-italy-phat-trien-manh-me-toan-dien-ben-vung-326693.html


top