Kinh tế

Tiếp sức cho doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ

Việc phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh, tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Trong những năm gần đây, ngành CNHT của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hội nghị “Triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” diễn ra ngày 4/2/2020 tại Hải Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.

Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy, số doanh nghiệp đang hoạt động trong CNHT chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tương ứng với khoảng 0,3% doanh nghiệp Việt Nam); tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo; tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35%; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40%.



Sản xuất linh kiện tại Nhà máy ô tô Huydai Thành Công ở Ninh Bình. Ảnh: VNP


Kiểm tra khung xe ô tô tại nhà máy sản xuất ô tô Huydai Ninh Bình. Ảnh: VNP


Kiểm tra chi tiết sơn ô tô tại Nhà máy ô tô Huydai Ninh Bình. Ảnh: VNP


Ô tô Huydai nhà nhà máy ô tô Huydai Thành Công ở Ninh Bình lắp ráp chuẩn chị xuất xưởng. Ảnh: VNP

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo; sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao; nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, việc đào tạo nhân lực tại các trường kỹ thuật còn lạc hậu, chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển CNHT, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy phát triển CNHT. Các chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách ưu đãi đối với CNHT ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước.

Việc phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thiết thực thúc đẩy phát triển CNHT và giải quyết cụ thể các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp CNHT như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng cũng như những tồn tại, hạn chế của CNHT trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của CNHT cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Một trong những giải pháp đó là tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền và tư vấn hỗ trợ cho các DN Việt Nam trong lĩnh vực CNHT về cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Một trong những đối tác quan trọng của Chính phủ và Bộ Công Thương để tổ chức chương trình này đó là Tập đoàn Samsung. Thông qua các chương trình đào tạo về tư vấn viên mà Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đã có hàng loạt các tư vấn viên Việt Nam tốt nghiệp các khóa đào tạo và trên thực tế đã phát huy hiệu quả trong việc tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp CNHT trong việc nâng cao về trình độ, năng lực sản xuất cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung cũng như của các DN FDI” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay./.

 
Bài: Tất Sơn - Ảnh: VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-243711.html


top