Chân dung

Tiếng đàn bầu Vân Anh

Phong cách biểu diễn đa dạng, nữ nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh là người đã mang đến cho công chúng tiếng đàn bầu ở nhiều địa chỉ văn hóa trong Thành phố. Dù biểu diễn ở bất kỳ nơi đâu, trong sự kiện nào, Vân Anh cũng đều “cháy” hết mình, chiếm trọn tình cảm nồng nhiệt của khán giả, thưởng thức đến giây phút biểu diễn cuối cùng.
Nữ nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh cùng nhóm nhạc Vân Anh Fusion của chị thường xuyên xuất hiện tại nhiều địa chỉ văn hóa trong Thành phố: Từ sân khấu ở các phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Nhà văn hóa Thanh Niên, các trường học, đến du thuyền Indochine Đông Phương, Hòn Ngọc Viễn Đông trên sông Sài Gòn, các khách sạn nổi tiếng, bảo tàng Tượng sáp Việt, Bảo tàng Lịch sử… Ở bất kỳ đâu, nữ nghệ sĩ gốc Bình Định gảy những tiếng đàn bầu trầm bổng, đưa người nghe say đắm trong cuộc phiêu lưu bằng âm nhạc tuyệt vời.
    
Thường trong buổi biểu diễn, Vân Anh sẽ trình diễn những bản dân ca, âm nhạc dân tộc thuần túy bằng đàn bầu, rồi dùng đàn bầu hòa với các nhạc cụ dân tộc khác như t'rưng, đàn đá, đàn tứ, trống Việt, song lang, bộ chén…Song song đó, nghệ sĩ mang đến “Hơi thở thời đại – Hội nhập quốc tế” với những màn biểu diễn mang âm hưởng dân ca đương đại, những nhạc phẩm quốc tế theo phong cách phương Tây với tiếng đàn bầu làm chủ đạo.
    
Theo nghệ sĩ Vân Anh: “Chị được học Piano từ năm 4 tuổi, đến năm 7 tuổi, trong một buổi biểu diễn chung với các nhạc cụ khác, chị đã được nghẹ tiếng đàn bầu lần đầu tiên. Giây phút ấy đã thay đổi cuộc đời chị khi chị quyết định chuyển sang đam mê cây đàn bầu, một loại đàn của người Việt Nam và do chính người Việt chế tạo nên”.
   


Khi biểu diễn, nghệ sĩ Vân Anh “cháy” hết mình và chiếm trọn tình cảm nồng nhiệt của khán giả trong và ngoài nước.


Ngoài đàn bầu, nữ nghệ sĩ Vân Anh có thể biểu diễn tiết múa chén cung đình Huế...


... và tham gia biểu diễn tiết mục này cùng nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thúy Hoan.


Nữ nghệ sĩ Vân Anh cùng nhóm nhạc Vân Anh Fushion của mình
trong một buổi biểu diễn tại phố đi bộ Bùi Viện.


Du khách ghi lại sân khấu một buổi biểu diễn của ban nhạc cùng nữ nghệ sĩ Vân Anh.


Rất đông du khách chăm chú cùng tiếng đàn bầu của nữ nghệ sĩ trong một buổi biểu diễn trên phố.


Nữ nghệ sĩ Vân Anh cùng ban nhạc biểu diễn tại sân khấu Nhà văn hóa Thanh Niên và giao lưu với hai du khách người Úc.
 
Có giai đoạn khó khăn đối với người chơi nhạc cụ dân tộc, bạn bè học cùng với chị, người đi dạy học, người đã bỏ đàn rẽ sang hướng khác. Chị cũng mở quán đồ chay suốt 12 năm, rồi vừa đi dạy học vừa đi biểu diễn, chỉ mong có thể nuôi con và nuôi dưỡng đam mê của mình. Có lẽ vì nếm trải qua nhiều khó khăn vất vả, nên tiếng đàn bầu của chị đủ sâu, đủ để yêu thương, đủ “máu lửa” mỗi khi chơi đàn.
    

Nghệ sĩ Vân Anh (sinh 1966) theo học Piano từ năm 4 tuổi, đàn bầu từ năm 7 tuổi. 11 tuổi chị đã đạt HCV đàn bầu tại Hội diễn Văn nghệ toàn miền Nam. Vân Anh cùng với cây đàn bầu đã tham gia biểu diễn, giao lưu văn hóa ở nhiều nước trên thế giới. Hiện tại, ngoài chơi đàn bầu, chị còn chơi được đàn T’rưng, Klông Put, trống, thổi sáo, dàn dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật dân tộc. Hiện chị là người sáng lập và là Giám đốc Công ty Vân Anh Event – Vân Anh Fusion, Giám đốc Nghệ thuật biểu diễn của Bảo tàng Tượng sáp Việt (Q. 10).
Trên sân khấu, khi có những du khách nước ngoài, nghệ sĩ Vân Anh xuống tận nơi và mời họ lên sân khấu để giới thiệu về cây đàn bầu Việt Nam hay cùng chơi với ban nhạc. Nếu du khách là người Mỹ, Vân Anh sẽ dùng đàn bầu đàn tặng họ các bản nhạc nổi tiếng của nước Mỹ, nếu là du khách Úc sẽ tặng bản nhạc nổi tiếng của Úc, tương tự là Ý, Pháp, Nhật… cứ thế, du khách nước ngoài vừa trầm trồ, vừa thán phục.
    
Sau mỗi buổi diễn đầy nhiệt huyết ấy, khán giả tìm đến học đàn bầu với nghệ sĩ Vân Anh ngày một đông hơn. Công ty Vân Anh Event – Vân Anh Fusion hiện nay có khoảng 100 thành viên, bao gồm những nghệ sĩ lớn có tên tuổi trong ngành Âm nhạc dân tộc, những tài năng trẻ, sinh viên các trường âm nhạc. Ngoài ra, còn có nhiều nghệ sĩ trẻ biểu diễn nhạc cụ hiện đại nhưng vì tình yêu âm nhạc dân tộc do nghệ sĩ Vân Anh truyền cảm hứng mà họ đã theo chị học và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đó chính là niềm hạnh phúc nhất mà chị mong ước.
    
Nghệ sĩ Vân Anh cho biết: “Tôi muốn cho khán giả thấy cây đàn bầu của Việt Nam có thể trình diễn đa dạng các dòng nhạc từ cổ truyền cho đến nhạc hiện đại Tây phương, từ đó mong muốn có thể “truyền lửa” cho giới trẻ thêm yêu thích âm nhạc dân tộc và tìm đến với cây đàn bầu”.
    
Nghệ sĩ đàn cò Phạm Ngọc Tiến, người đồng nghiệp có hơn chục năm đi diễn chung với nghệ sĩ Vân Anh, nhận xét: “Vân Anh có một phong cách biểu diễn độc đáo, thu hút khán giả và làm cho họ bị cuốn hút. Trong giai đoạn âm nhạc dân tộc yếu thế so với dàn nhạc phương Tây, cũng như các bạn trẻ có xu hướng thích âm nhạc hiện đại thì cách làm của Vân Anh đã góp phần quảng bá, mang tính đại chúng, thu hút nhiều bạn trẻ tìm về âm nhạc dân tộc”.
    
Nói về ước mơ của mình, nghệ sĩ Vân Anh cho biết chị luôn muốn sáng tạo, đổi mới trong cách chơi đàn của mình. Chị luôn tìm cách kết hợp tiếng đàn bầu với các nhạc cụ hiện đại khác, cũng như các dòng nhạc Tây phương, nhạc điện tử để cách tân, mang lại những điều mới lạ để giới thiệu đến khán giả, góp phần truyền ngọn lửa nhiệt huyết tới bạn trẻ đam mê âm nhạc dân gian./.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Đặng Kim Phương

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tieng-dan-bau-van-anh-177591.html


top