Chân dung

“Tiến sĩ tôm” Trần Hữu Lộc

Sau 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giới trẻ Tp. Hồ Chí Minh hôm nay tiếp bước cha anh đóng góp công sức bằng nhiều hình thức khác nhau để dựng xây quê hương đất nước. TS Trần Hữu Lộc, người vừa được vinh danh “Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố năm 2014” chính là một tấm gương như thế.
Sinh ra khi đất nước đã hòa bình, anh Trần Hữu Lộc (sinh năm 1984) cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa có nhiều điều kiện thuận lợi để học tập, phát huy hoài bão của mình.

Nhà Lộc ở Linh Trung, Thủ Đức, một quận ngoại thành Tp. Hồ Chí Minh, nơi có nhiều ao hồ được hình thành nên từ các hố bom để lại từ thời chiến tranh, nên thuở bé Lộc cùng chúng bạn thường lang thang với thú vui tìm bắt tôm cá. Say mê với thế giới của cá tôm, lớn lên lại được ba mẹ khuyến khích học tập theo niềm đam mê nên anh thi vào khoa Thủy sản Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 2010 Lộc tốt nghiệp đại học và nhận được một suất học bổng du học toàn phần tại trường Đại học Arizona (Mỹ) về chuyên ngành vi sinh và bệnh học trên tôm. Khi đó, ngành nuôi tôm ở Việt Nam lao đao, nhiều hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng do tôm chết hàng loạt vì mắc một loại bệnh có tên gọi là: “Hội chứng tôm chết sớm” (EMS), hay còn gọi là “Hội chứng hoại tử gan tủy cấp trên tôm nuôi” (AHPNS).

Trước tình hình đó, Lộc đã mạnh dạn chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình. Sau 3 năm nghiên cứu, nguyên nhân của bệnh EMS/AHPNS đã được anh tìm ra, đó là do một loại vi khuẩn có tên Vibrio parahaemolyticus gây nên, khiến con tôm bỏ ăn và chết rất nhanh.

Với phát hiện quan trọng này, Lộc đề xuất phương pháp phòng ngừa loại bệnh này bằng cách kiểm soát chặt khâu chọn tôm giống, xử lý nguồn nước và quy hoạch vùng nuôi theo hướng an toàn sinh học. Biện pháp này đã được áp dụng thử nghiệm có hiệu quả. Thành quả nghiên cứu này có ý nghĩa to lớn về mặt khoa học và thực tiễn cho Việt Nam và thế giới.

Được biết, vào năm 2011 - 2012, tại các vùng nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, dịch bệnh EMS/AHPS trên tôm phát triển mạnh nhưng người nuôi tôm lay hoay mãi vẫn không tìm được phương pháp chữa trị. May nhờ có phương pháp nghiên cứu của Lộc gửi về thử nghiệm nên đã góp phần khắc phục được dịch bệnh.

TS“Trần Hữu Lộc, người có nhiều đóng góp lớn cho ngành nuôi tôm của Việt Nam (tháng 1/2015). Ảnh: Lê Minh


TS Trần Hữu Lộc kiểm tra sự phát triển của tôm giống. Ảnh: Lê Minh


TS Trần Hữu Lộc giới thiệu với chuyên gia nước ngoài quy trình xử lý bệnh trên tôm giống. Ảnh: Tư liệu


TS Trần Hữu Lộc hướng dẫn quy trình tách mẫu bệnh phẩm tôm trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Lê Minh


TS Trần Hữu Lộc và các đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm về bệnh tôm. Ảnh: Lê Minh


Trần Hữu Lộc nhận bằng Tiến sĩ tại trường Đại học Arizona (Mỹ). Ảnh: Tư liệu


Tiến sĩ Trần Hữu Lộc tại một cuộc hội thảo quốc tế.  Ảnh: Tư liệu

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đến cuối năm 2013, Trần Hữu Lộc về nước làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Nông lâm. Theo đề xuất của anh, Trường đã cho xây dựng một phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại chuyên nghiên cứu về tôm, cá.

Mặc dù mới được đưa vào hoạt động hơn một năm nhưng phòng thí nghiệm này đã phát huy được hiệu quả, trở thành địa điểm thu hút nhiều nghiên cứu sinh, học viên đến làm việc, nghiên cứu.

Những lúc không đi dạy, Lộc thường đứng ra tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn về nông nghiệp, nhằm cung cấp cho người dân kiến thức về nuôi trồng thủy sản.

Trong năm 2014, anh đã phối hợp với nhiều tỉnh thành trong cả nước tổ chức hàng chục chương trình truyền hình thực tế cho hàng ngàn lượt nông dân nhằm tư vấn và giải đáp thắc mắc cho bà con xoay quanh nghề nuôi tôm. Những cuộc nói chuyện của anh luôn thu hút đông đảo bà con nông dân tham dự. Để hiệu quả hơn, Lộc còn trực tiếp đến tận những vùng nuôi tôm, lội xuống từng vuông tôm của người dân để có những hướng dẫn chính xác, tận tình.

Gần hai năm qua, Lộc đã đến hầu hết các địa phương từ miền Nam đến miền Trung, những nơi có nghề nuôi tôm phát triển mạnh như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Quảng Bình và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Có những chuyến công tác kéo dài cả tháng trời, tuy vất vả nhưng đối với anh, những tư vấn của mình được bà con nông dân lắng nghe, áp dụng và thu được kết quả tốt chính là sự động viên tinh thần rất lớn.

PGS.TS Nguyễn Như Trí, Trưởng khoa Thủy sản trường Đại học Nông lâm nhận xét: “Thầy Lộc là một giảng viên trẻ luôn “cháy” hết mình trong niềm đam mê khoa học, đặc biệt đã có những đóng góp tiên phong trong nghiên cứu và đưa ra giải pháp thiết thực cho ngành nuôi tôm nước ta”.

Là người con của Tp. Hồ Chí Minh năng động, Lộc thường xuyên hưởng ứng các hoạt động tại địa phương, tham gia chiến dịch “mùa hè xanh” rất nhiệt tình. Anh tham gia nhiều lớp tập huấn cho cán bộ thú y, nông dân các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè về chăn nuôi thủy sản. Mọi việc làm của Lộc đều gắn liền với con tôm, vì thế mà bạn bè, đồng nghiệp và bà con nông dân thường gọi anh bằng cái tên thân mật: “Tiến sĩ tôm”.

Với mong muốn góp sức, sẻ chia cùng bà con nông dân, Lộc luôn trăn trở, tìm tòi nghiên cứu làm chủ khoa học về các phương pháp điều trị bệnh cho tôm, xem đó là chìa khóa quan trọng giúp người dân có được cuộc sống sung túc hơn với nghề nuôi tôm./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tien-si-tom-tran-huu-loc-74799.html


top