Kinh tế

Thuỷ điện Thác Mơ

Thuỷ điện Thác Mơ nằm trên bậc thang đầu tiên trong tổng sơ đồ khai thác năng lượng của lưu vực sông Bé, thuộc địa phận thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, cách Tp. Hồ Chí Minh 170km về phía Tây Bắc. Kể từ khi vận hành năm 1995 đến nay, Thủy điện này đã luôn góp một phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống điện quốc gia nói chung cùng sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Phước nói riêng.
Với hồ chứa 1,3 tỉ m3 nước, hai tổ máy, mỗi tổ 75MW, Thuỷ điện Thác Mơ có nhiệm vụ chính là sản xuất điện, điều tiết lũ cho hạ du kết hợp nuôi trồng thủy sản và du lịch. Những năm đầu mới đi vào vận hành, Thuỷ điện Thác Mơ đóng vai trò là một trong những nguồn điện chủ lực cho lưới điện miền Nam, đã tham gia khắc phục việc thiếu điện gay gắt lúc bấy giờ. Là một nút giữ ổn định điện áp, Thủy điện Thác Mơ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lưới điện cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đắk Nông, Tây Ninh và góp phần chống quá tải hữu hiệu cho các trạm biến áp khu vực Tp. Hồ Chí Minh. Công trình chiến lược này còn là tiền đề để xây dựng hai nhà máy thủy điện bậc dưới là Cần Đơn và Srok Phú Miêng.
 

Nhà máy Thủy điện Thác Mơ.

Cửa xả tràn điều tiết lưu lượng nước dưới chân Nhà máy phát điện.

Trạm biến áp của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ.

Ống dẫn lớn từ hồ chứa nước xuống Nhà máy phát điện.

Hồ chứa nước Thác Mơ vào mùa khô.

Ngay từ đầu, hồ chứa Thủy điện Thác Mơ đã đạt mực nước bình thường là 218m với tổng dung tích hồ chứa đạt 1,360 triệu m3 và nhiều năm sau cũng đã đầy hồ, dù trong thiết kế là hồ chứa điều chỉnh trong nhiều năm. Tiếp đó, Thuỷ điện Thác Mơ luôn đạt công trình thiết kế 150MW và lượng điện hàng năm thường cao hơn 610 triệu KWh/năm (có năm đạt đến 1.026 triệu KWh/năm). Nhận thấy qua những năm khai thác, lượng dòng chảy đến hồ chứa có sự biến đổi dẫn đến sản lượng điện tăng cao so với thiết kế, lãnh đạo Thuỷ điện Thác Mơ đã cho nghiên cứu đề tài: “Đánh giá các tài liệu cơ bản về thủy văn, hồ chứa, tính toán hiệu chỉnh quy trình điều tiết dòng chảy và điều tiết xả lũ, hồ chứa Thuỷ điện Thác Mơ làm việc trong chế độ phát điện cấp nước kết hợp chống lũ hạ du”. Kết quả nghiên cứu cho thấy lưu lượng trung bình nhiều năm tăng từ thiết kế ban đầu là 87,6m3 lên 108m3 (tăng 20%), tương ứng lượng điện năng sản xuất trung bình năm tăng từ 610 triệu KWh/năm lên 800 triệu KWh/năm. Đây là cơ sở quan trọng để luận chứng tăng công suất thiết kế của Thuỷ điện Thác Mơ từ 150MW lên 225MW (150+75).

Theo thời gian, Thủy điện Thác Mơ đã luôn vận hành an toàn, liên tục, phát lên lưới điện quốc gia 12 tỉ KWh điện, đóng góp cho ngân sách địa phương ngày càng tăng, riêng trong thời gian 2006-2008 bình quân đạt 50 tỉ đồng/năm. Công tác phòng chống lụt bão cũng luôn được lãnh đạo Thủy điện Thác Mơ quan tâm, trong nhiều năm liền đã điều tiết lũ một cách hiệu quả, góp phần làm giảm thiệt hại cho hạ du trước những cơn lũ lớn. Đến tháng 1/2008, thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ. Từ đây, ngoài sản xuất điện, Công ty còn mở rộng sang các ngành nghề khác như tư vấn giám sát, thí nghiệm điện, đào tạo…
 

Tổ trực điều khiển phát điện.

Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ có một đội ngũ kỹ sư trẻ lành nghề và đầy nhiệt huyết.

Hai tuabin phát điện của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ.

Các kỹ sư hướng dẫn cho các bạn sinh viên tham quan quy trình hoạt động của nhà máy. điện.

Kỹ sư kiểm tra cửa xả tràn trên hồ chứa nước.

Đập tràn đang thi công, là một công trình
nằm trong quần thể Thủy điện Thác Mơ.

Điều chỉnh lưu lượng nước ở cửa xả tràn.
.

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, nguồn sáng Thuỷ điện Thác Mơ đã góp phần đổi mới và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân địa phương, đồng thời việc hòa vào lưới điện quốc gia cũng đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ các mặt đời sống xã hội. Cùng với việc hình thành Nhà máy Thuỷ điện Thác Mơ, một số đường chính như ĐT 741 và những trục đường liên hoàn nối từ Nhà máy đến các xã, phường thuộc thị xã Phước Long đã được nâng cấp hoặc làm mới. Đây là điều kiện tốt phục vụ yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện tại, dựa trên những thế mạnh sẵn có, Thủy điện Thác Mơ đang tiếp tục hoàn thiện và hiện đại hóa các thiết bị hiện có, đảm bảo các tổ chức máy hoạt động tốt, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường điện. Ông Nguyễn Thanh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ cho biết, Công ty đang tập trung tham gia đầu tư dài hạn, góp vốn đầu tư các công trình nguồn điện bao gồm nhiệt điện, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo. Trước mắt, Thủy điện Thác Mơ từng bước triển khai thực hiện đầu tư dự án Thác Mơ mở rộng, nâng công suất Nhà máy lên 225MW nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên nước và giúp hệ thống điện giải quyết việc thiếu công suất vào giờ cao điểm. Đồng thời, thành lập Trung tâm dịch vụ - sửa chữa cơ điện để cung cấp các dịch vụ bảo trì, sửa chữa, thí nghiệm, tư vấn giám sát, lắp đặt thiết bị, quản lý vận hành và đào tạo cho các công trình điện trong khu vực…/.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/thuy-dien-thac-mo-40822.html


top