Nhân dịp Festival hoa Đà Lạt 2012 diễn ra từ ngày 30/12/2011 đến 3/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức công nhận Đà Lạt là "Thành phố Festival hoa của Việt Nam". Điều đó cũng có nghĩa, thương hiệu hoa Đà Lạt đang ngày càng được tôn vinh và khẳng định.
TỪ NGHỀ TRỒNG HOA TRUYỀN THỐNG
Ai đã một lần đến với Đà Lạt hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh một phố núi thơ mộng quanh năm mát rượi bóng thông reo và ngập tràn trong sắc hoa muôn hồng nghìn tía.
Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được bao bọc bởi các dãy núi cao, Đà Lạt được thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm nên rất thích hợp cho việc trồng rau và hoa suốt cả bốn mùa.
Từ năm 1938, nghề trồng hoa ở Đà Lạt đã hình thành khi người dân từ các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá ngoài Hà Nội di cư đem vào.
Người Hà Nội vào phố núi, thấy khí hậu trong lành, đất đai tốt nên đã lập nên ấp Hà Đông chuyên nghề trồng rau và hoa lay-ơn (glaieul). Phương pháp canh tác lúc bấy giờ cũng khá đơn giản. Người ta tự tay ươm giống, còn phân bón cho hoa chủ yếu là phân hữu cơ ủ từ thân cây dã quỳ, một loài hoa dại mọc rất nhiều ở núi đồi Đà Lạt. Theo thời gian, nghề trồng hoa mở rộng dần sang các ấp Trường Sơn, Trạm Hành, Xuân Thành, Thái Phiên, Vạn Thành… rồi sau đó lan sang các đường Hồ Xuân Hương, Vạn Kiếp, Nguyên Tử Lực, Mimosa…
Làng hoa Thái Phiên ở Đà Lạt nổi tiếng với nghề trồng hoa cúc.
Đường phố Đà Lạt rực rỡ muôn sắc hoa.
Đà Lạt nổi tiếng với những ngôi biệt thự cổ lãng mạn giữa vườn hoa.
Nông dân Đà Lạt trồng hoa theo mô hình nhà lưới.
Những vườn hoa tulip rực rỡ bên bờ hồ Xuân Hương - Đà Lạt.
Diễu hành xe hoa trong đêm khai mạc Festival hoa Đà Lạt 2012.
Niềm vui của người trồng hoa Đà Lạt. |
Tuy vậy, phải đến những năm 90 của thế kỉ trước, tên tuổi hoa Đà Lạt mới được biết đến với làng hoa hồng Vạn Thành, nơi cung cấp sản phẩm hoa hồng cắt cành chủ yếu của thành phố Đà Lạt. Rồi tiếp đến tháng 12/2009, làng hoa Thái Phiên trở thành làng hoa đầu tiên được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng nghề truyền thống của địa phương với các sản phẩm hoa nổi tiếng như: hoàng anh, margarite, gerbera, cúc đỏ, cẩm tú cầu, hoa hồng…
Năm 2011, diện tích trồng hoa của tỉnh Lâm Đồng mà chủ yếu là Tp. Đà Lạt đã đạt 3.862ha, sản lượng khoảng 1,4 tỉ cành hoa, trong đó xuất khẩu 53 triệu cành với kim ngạch 22 triệu USD. Ngoài các thị trường truyền thống như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản... hoa Đà Lạt đã bắt đầu chinh phục thị trường EU, Bắc Mỹ bằng các loại hoa thế mạnh của mình như hồng, ly, lan, cúc... |
Đặc biệt, đến năm 1995, nghề trồng hoa ở Đà Lạt mới thực sự “bùng nổ” với sự xuất hiện của “làng hoa công nghiệp” Dalat Hasfarm (100% vốn nước ngoài). Từ diện tích ban đầu 2 ha, làng hoa này đã cho ra đời nhiều sản phẩm hoa cắt cành và hoa chậu phong phú về chủng loại, rực rỡ về màu sắc. Sự ra đời của Dalat Hasfarm đã làm thay đổi hẳn tư duy trồng hoa theo lối truyền thống của người dân địa phương. Bằng phương pháp thắp đèn sưởi ấm cho hoa, Dalat Hasfarm đã trồng thành công nhiều giống hoa cúc khác nhau và cho nở đúng vào dịp Tết nên giá thành bán ra thị trường cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Chính cách làm này của Dalat Hasfarm đã kích thích người dân các làng hoa Thái Phiên, Trạm Hành, Đa Thiện... chuyển dần sang phương pháp trồng hoa hiện đại.
Đến làng hoa Thái Phiên (phường 12, Tp. Đà Lạt) vào những ngày trước Festival hoa Đà Lạt 2012, người dân đã cắt hoa gần xong và đang chuẩn bị trồng tiếp lứa hoa mới để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Đi giữa không gian hoa thanh bình, dân dã ở Thái Phiên, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự gắn bó giữa con người và nghề trồng hoa nơi đây.
Em Nguyễn Văn Phóng (16 tuổi) cho biết: “Gia đình em có 3.000m2 nhà kính trồng hoa, ngoài thời gian phụ giúp gia đình, em còn phụ giúp các cô, chú trong làng chăm sóc, thu hoạch hoa để phục vụ Festival”. Hiện nay, hơn 90% hộ dân tại Thái Phiên theo nghề trồng hoa với doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 500 triệu đồng/ha. Thị trường tiêu thụ hoa của Thái Phiên giờ cũng được mở rộng ra toàn quốc và đã tham gia vào thị trường xuất khẩu với khoảng 5% sản lượng hoa của cả Đà Lạt.
ĐẾN VIỆC PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU
Kể từ khi triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất (năm 1995), ngành trồng hoa Đà Lạt đã có những bước tiến lớn. Hiện nay Đà Lạt đã xây dựng được một ngân hàng hoa giống khá phong phú với hàng trăm giống hoa bản địa và nhập nội, và hơn 35 phòng thí nghiệm phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống hoa sạch bệnh. Các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình cũng đã mạnh dạn đầu tư nhiều công nghệ tiên tiến vào sản xuất hoa như công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt (drip), và trồng hoa bằng cây giống được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô…
Dây chuyền công nghệ chiếu sáng phục vụ việc ươm giống hoa của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt.
Phòng nuôi cấy mô của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt.
Kiểm tra sự phát triển của rễ hoa.
Công nghệ tưới nước nhỏ giọt được sử dụng nhiều tại các vườn ươm hoa ở Đà Lạt.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm hoa cẩm chướng cắt cành trước khi đưa ra thị trường.
Du khách nước ngoài rất thích vẻ đẹp của lan hồ điệp, một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt. |
Các vùng trồng hoa còn tăng cường hợp tác với các trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học để nghiên cứu, chuyển giao kĩ thuật, cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc phát triển ngành sản xuất hoa. Đặc biệt, địa phương còn khuyến khích các nông hộ sản xuất hoa tự nguyện liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp, hiệp hội… để thúc đẩy quá trình sản xuất, tăng cường khả năng tiêu thụ và mở rộng thị trường... Nhờ đó, sản phẩm hoa cao cấp của Đà Lạt ngày một đa dạng và phong phú về mặt chủng loại nên không chỉ đáp ứng được thị trường trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Đến thăm phòng trưng bày hoa (showroom) của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt (7A/1, Mai Anh Đào), nơi được công nhận là showroom hoa lớn nhất Việt Nam, mới thấy được kết ý nghĩa của việc ứng dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất và bảo quản hoa. Trước một không gian tràn ngập muôn sắc hoa, hàng trăm du khách trong và ngoài nước đều không giấu được sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp của nhiều bình hoa, bức tranh hoa tươi cắm theo nhiều phong cách khác nhau và được bảo quản theo công nghệ Nhật Bản nên hoa có thể tươi từ 3 đến 5 năm.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp ông là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng phương pháp sản xuất cây hoa giống bằng phương pháp INVITRO (nuôi cấy mô) theo quy mô công nghiệp. Đặc biệt, công ty còn xây dựng một phòng lab rộng 2.000m2 có hệ thống trang thiết bị hiện đại, công suất sản xuất 12 triệu cây giống/năm với nhiều giống hoa nổi tiếng như ly ly, đồng tiền, salem, bibi, sao tím, cúc các loại, cẩm tú cầu, lan hồ điệp và hơn 300 loại cây cảnh khác. Năm 2006, công ty xuất khẩu sang Bỉ 1 triệu cây giống, năm 2008 xuất khẩu 4 triệu cây, năm 2010 xuất khẩu 7 triệu cây giống sang thị trường New Zealand, Hà Lan, Bỉ, Trung Quốc…
Tính đến nay, Đà Lạt có 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa bản địa hoặc có xuất xứ từ châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan), châu Âu (Pháp, Hà Lan), châu Mỹ… cùng 200 bộ giống hoa mới được di thực từ nước ngoài về. Từ hàng ngàn giống hoa này, nông dân và các doanh nghiệp đã đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa với trình độ ứng dụng khoa học kĩ thuật cao, nên chủng loại và chất lượng hoa Đà Lạt giờ đây không còn thua kém nhiều so với các quốc gia có nghề trồng hoa lâu đời trên thế giới như Pháp, Hà Lan, Bungaria…
Đặc biệt, nhân dịp Festival hoa Đà Lạt 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức công nhận Đà Lạt là “Thành phố Festival hoa của Việt Nam”. Trước đó, ngày 26/12/2011, hoa Đà Lạt cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp đăng kí chứng nhận nhãn hiệu với chủ sở hữu là UBND thành phố Đà Lạt. Như vậy, từ nay thương hiệu hoa Đà Lạt đã chính thức được công nhận và tôn vinh. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm lớn của người dân Đà Lạt. Bởi từ nay, người dân và chính quyền Đà Lạt phải làm thế nào để bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình nhằm đưa ngành sản xuất hoa trở thành thế mạnh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - du lịch của địa phương./.
Song song với việc phát triển nghề trồng hoa, Đà Lạt cũng đẩy mạnh việc quảng bá cho thương hiệu hoa của mình, trong đó có việc tổ chức Festival hoa Đà Lạt theo định kì 2 năm một lần. Tại Festival hoa Đà Lạt 2012, các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều chương trình giới thiệu và triển lãm hoa đặc sắc theo nhiều chủ đề khác nhau như: không gian “Đồi hoa hoài niệm Đà Lạt”, du lịch hoa, phiên chợ hoa Đà Lạt, lễ hội đường phố “Hoa và ánh sáng”, đường hoa Romance Palace... Ngoài ra, còn có các cuộc thi tìm hiểu và hội thảo khoa học về hoa, cùng với nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá và xúc tiến đầu tư khác./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/thuong-hieu-hoa-da-lat-30362.html