Trở về sau chiến tranh với những vết sẹo còn in hằn trên thân thể nhưng trách nhiệm với đồng đội đã khiến người thương binh hạng ¼ Lâm Văn Bảng thành lập Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam mang tên “Bảo tàng các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”.
Hành trình ra đời bảo tàng những kỷ vật thời chiến
Ngày 11/10/2006, “Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” được tỉnh Hà Tây cũ cho phép thành lập và đã trở thành một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được công nhận. Đây cũng là nơi tiên phong cho phong trào khuyến khích mô hình “xã hội hóa” công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước.
Năm 1985, khi đang là Hạt trưởng Hạt quốc lộ 1, phụ trách sửa chữa Cầu Giẽ (Hà Tây cũ), ông Bảng cùng công nhân của mình phát hiện một quả bom nặng hàng tấn nằm dưới chân cầu.
Sau khi được vớt và rút thuốc ra, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước chân cầu rồi đặt quả bom lên. Việc trưng bày quả bom đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của người dân và chính nhờ sự tình cờ này đã thôi thúc ông Bảng thành lập một Bảo tàng của những kỷ vật của thời chiến.

Ông Lâm Văn Bảng, một trong 70 điển hình được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm
Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", tháng 6/2018.

Ông Hoàng Trung Hải (đầu tiên bên phải), Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng quà và bằng khen
cho Đại diện Bảo tàng. Ảnh: Tư liệu

Ông Lâm Văn Bảng (thứ ba từ bên phải) trong lễ kỷ niệm 10 năm Bảo tàng
đón nhận Huân chương lao động Hạng ba do nhà nước trao tặng năm 2016. Ảnh: Tư liệu

Ông Lâm Văn Bảng (áo trắng) tiếp đoàn làm phim Hoa Kỳ, tháng 6/2018.

Trong quãng thời gian đi sưu tầm các kỷ vật cho bảo tàng, ông Lâm Văn Bảng
đã đặt chân đến khắp các nhà tù, nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước. Ảnh: Tư liệu |
“Khi bị thương nặng và giam ở nhà tù Biên Hòa, đồng đội tôi đã tận tình chăm sóc dù khi đó họ sẽ bị đánh đập tàn bạo bởi những việc làm trên. Sau giải phóng, nhiều người đã không còn nữa trở thành lý do tôi đi tìm những kỷ vật của thời chiến, để gìn giữ và tri ân đồng đội”, ông Bảng nhớ lại thời khắc quyết định thành lập Bảo tàng.
“Xách ba lô lên và đi”, câu slogan đang thịnh hành cho lối sống thích khám phá, yêu tự do của giới trẻ thế kỷ 21, nhưng đã được cha ông của họ là những người như ông Bảng sử dụng từ vài thập kỷ trước.
- Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đã nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
- Ông Lâm Văn Bảng là 1 trong 70 điển hình được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", tháng 6/2018. |
Ông Bảng đã lên đường và bước chân của ông đã có mặt ở khắp các nhà tù của chế độ cũ trên cả nước. Đó là hành trình tiêu tốn không chỉ năng lượng, sức khỏe mà cả số tiền bạc vốn đã không dồi dào của một thương binh.
Bù lại, những thành quả ban đầu là căn phòng rộng 12 m2 của gia đình đã có những hiện vật đầu tiên trưng bày .
“Sau này, đi tới đâu tôi cũng mang kỷ vật theo để giới thiệu cho đồng đội, anh em về công việc ý nghĩa mà tôi đang muốn làm”, đó là cách ông Bảng tìm sự ủng hộ của mọi người.
Những hiện vật này đã trở thành những minh chứng sống động giúp ông Bảng thuyết phục được mọi người. Dòng tộc họ Lâm đã đồng ý hiến tặng 1600 m2 đất hương hoả để ông xây dựng Bảo tàng.
Khi mặt bằng đã có, các chuyến đi sưu tầm vì thế được thực hiện với tần suất nhiều hơn. Mọi người bắt đầu bị thuyết phục bởi ý chí kiên cường của người thương binh này.
Các nguồn hiến tặng từ khắp nơi góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú hiện vật của bảo tàng hiện nay, với trên 5000 hiện vật (con số năm 2018).
Không gian giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ
Tiên phong cho mô hình bảo tàng tư nhân ở Việt Nam, Bảo tàng các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy không vì thế mà thiếu đi sự chuyên nghiệp.
Bảo tàng được bố trí khoa học, logic với 10 khu trưng bày theo chuỗi các chủ đề: Khu Đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ đã hy sinh ở nhà tù Phú Quốc; Khu lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ; Khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - Ngụy; Khu giới thiệu tấm gương kiên trung của chiến sĩ cách mạng và hoạt động của những đảng viên trong nhà tù Phú Quốc...
Đặc biệt, Bảo tàng có đội ngũ hướng dẫn viên có “một không hai”, đó là 15 cựu chiến binh. Họ đều là những “hiện vật” biết nói, góp phần tạo lên những ấn tượng đặc biệt với các đoàn du khách sau mỗi chuyến thăm Bảo tàng.
Hơn một thập niên ra đời, Bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách. Mỗi đoàn khách có một mục đích khi đặt chân đến bảo tàng. Người muốn hoài niệm quá khứ, người muốn về thăm đồng đội, người tò mò muốn biết thế hệ cha ông đã phải đối diện với các hình thức tra tấn nào của quân địch, ...

Toàn cảnh khu nhà lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ.

Bảo tàng hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 5000 hiện vật chiến tranh.

Ông Lâm Văn Bảng giới thiệu Khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - Ngụy.

Ông Lâm Văn Bảng (thứ hai từ bên phải) đang giới thiệu các kỷ vật trong Bảo tàng với du khách. Ảnh: Tư liệu

Một số kỷ vật chiến tranh thời kỳ kháng chiến chống Pháp trưng bày tại Bảo tàng.

Hơn một thập niên thành lập, Bảo tàng đã đón hàng nghìn đoàn khách đến thăm quan. Ảnh: Tư liệu |
Dù mục đích nào, nhưng điều có thể nhìn thấy trong mắt những du khách này đó là sự cảm phục về ý chí, tinh thần quả cảm của những người lính cách mạng.
Hai chữ “hoà bình” có lẽ được trân trọng và thấu hiểu hơn trong mỗi con người đã đặt chân đến Bảo tàng.
“Tôi muốn nơi đây là một góc tái hiện lịch sử dân tộc, nơi giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc mà không sách vở nào thay thế được”, người sáng lập Bảo tàng cho biết.
Dạo một vòng thăm các Khu trưng bày trong bảo tàng, chúng tôi cùng ông Bảng dừng lại lâu hơn ở hiện vật là một lá cờ tổ quốc, có kích thước bằng bao thuốc lá. Ở đó, chúng tôi đã được nghe một câu chuyện mà trước đó chưa có ai được biết.
Đó chính là lá cờ được dùng để kết nạp Đảng viên tại nhà tù Phú Quốc. Người cuối cùng được giao trách nhiệm giữ lá cờ là một đồng đội của ông Bảng, ông Nguyễn Văn Dư.
Mỗi lần địch lục soát, lá cờ này lại được ông Dư cuốn nhỏ và cho vào túi ni-lông, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày. Lúc an toàn lá cờ lại được kéo ra treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố ý chí quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục.
Đó chính là cách mà người chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy hơn nửa thế kỷ trước đã giữ gìn sự tôn nghiêm của lá cờ tổ quốc.
Đôi mắt không rời khỏi lá cờ, ông Bảng nói: “Tôi hy vọng thế hệ này sẽ tiếp tục thay chúng tôi làm công việc đó”./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn và Tư liệu
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/thuong-binh-lam-van-bang-va-bao-tang-cua-nhung-ky-vat-thoi-chien-183028.html