Tin tức

Thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 23/9, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo “Những giải pháp thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với Cơ quan Sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc.
  Quang cảnh Hội thảo. Ảnh TTXVN

Tỉnh Sơn La nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng, chất lượng nông sản và đi đầu trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh để vươn ra thị trường quốc tế.

Tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh Sơn La đã có 3 nhãn hiệu tập thể là mật ong Sơn La, chè Tà Xùa, khoai sọ Thuận Châu và 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn huyện Yên Châu, cà phê, 18 nhãn hiệu chứng nhận chè Ô long Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, sơn tra, na Mai Sơn, nếp Mường Và, xoài Sơn La, cá sông Đà, mận…

Đặc biệt, Sơn La có hai sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài là chè Shan tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 7/2020. Sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017. Năm 2021, hai sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm xoài và nhãn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "xoài Sơn La" và "nhãn Sơn La" tại Việt Nam. Đây cũng là 2 sản phẩm được lựa chọn để thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sơn La" tại Trung Quốc.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, hoạt động xây dựng thương hiệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được nhiều kết quả khả quan. Sản phẩm được tăng giá trị với giá bán cao hơn so với trước khi chưa có thương hiệu, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân. Nhận thức của người dân về thói quen canh tác lạc hậu sang canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm hàng hóa theo thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng được nâng cao. Các địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm.

Tại Hội thảo, đại diện các chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng, hiện nay, chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật, như Bộ luật Dân sự, Luật Nhãn hiệu, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Tiêu chuẩn hoá. Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định là sản phẩm gắn với tên gọi chỉ dẫn xuất xứ đã được thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ, có xuất xứ từ một khu vực cụ thể, nơi mà chất lượng, danh tiếng và các đặc tính khác của sản phẩm có được do môi trường địa lý đặc biệt với các yếu tố con người và tự nhiên cố hữu. Các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bao gồm: Sản phẩm xuất xứ từ khu vực địa lý được xác định, được trồng trọt hoặc chăn nuôi; sản phẩm được làm và chế biến theo một kỹ thuật cụ thể ở khu vực địa lý mà nguyên liệu thô được lấy toàn bộ hoặc một phần từ đó.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay: Bước qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đang có những bước khởi sắc, tạo nên lực đẩy mới cho doanh nghiệp và các chủ thể liên quan tới hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm xác lập, khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài, phục vụ xuất khẩu hàng hóa. Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin, vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài cũng theo đó không ngừng gia tăng.

Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, thời cơ lớn luôn đồng hành cùng những thách thức. Sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tiến hành kinh doanh ngoài nước sẽ giúp các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc nắm bắt quyền, hiểu biết chưa đầy đủ về các quy định pháp luật và đặc thù của thị trường đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh mất quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường mục tiêu, trở thành rào cản lớn trong nỗ lực xuất khẩu sản phẩm.

Hội thảo đã góp phần tạo tiền đề, cơ sở nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này để các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm của mình tại thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/thuc-day-dang-ky-bao-ho-nhan-hieu-chi-dan-dia-ly-cua-viet-nam-o-nuoc-ngoai-309886.html


top