Ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa Trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trong nước và 94 Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế sau đúng 1 tháng Thủ tướng chủ trì hội nghị tương tự với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo 16 hiệp hội doanh nghiệp, 19 tập đoàn kinh tế và các nhà khoa học.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, 9 tháng trước, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thủ tướng đã nhấn mạnh phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”.
Trong 9 tháng qua, tình hình thế giới đã diễn biến rất nhanh, phức tạp, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta 8 tháng của năm 2022 tiếp tục ổn định, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Trong khi trên thế giới, tăng trưởng thấp, lạm phát thấp, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát được kiểm soát.
Đóng góp vào thành tựu chung đó có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt triển khai nhiệm vụ của ngành ngoại giao nói chung và của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác mà phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”; độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”.
Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư ngày 10/8/2022 tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”.
Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngoại giao kinh tế đã bám sát mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước, những định hướng lớn, trọng tâm điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ; đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước, trở thành một động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững.
Trước những biến động với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi ngoại giao kinh tế phải nỗ lực, cố gắng hơn; chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén hơn nữa; biến tâm huyết, nỗ lực thành kết quả "đo đếm được", biến nguy thành cơ; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân, vì một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị, các Đại sứ, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, phát huy trí tuệ, thảo luận, đánh giá sâu sát và kiến nghị các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thảo luận, đánh giá tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng, nhất là về xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, các động lực tăng trưởng mới… nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Đồng thời, các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp đẩy mạnh kịp thời các hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước, ở các cấp, ngành, góp phần hiệu quả bảo đảm ổn định, mở rộng thị trường, tạo đột phá trong phát hiện, kết nối, tham mưu để tranh thủ thu hút đầu tư chất lượng cao... Đặc biệt, các đại biểu đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, biện pháp, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-voi-cac-dai-su-truong-co-quan-dai-dien-viet-nam-o-nuoc-ngoai-309550.html