Tin tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển du lịch nhanh, bền vững

Sáng 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững''. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với Trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
  Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN  
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: Dương Giang
Đại diện Tập đoàn Sun Group phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch lần thứ hai được tổ chức trong năm 2023, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024 và là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hội doanh nghiệp lớn ngành Du lịch và Hàng không; các chuyên gia kinh tế, du lịch.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, chia sẻ, hiểu hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới. Ngành Du lịch nước ta gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu hút khách du lịch quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; từng bước khắc phục các khó khăn về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển. Đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, sự cạnh tranh của các nước trong khu vực, quốc tế.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, Du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”.

Thủ tướng yêu cầu Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; một số vấn đề trọng tâm để ngành Du lịch phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó, các đại biểu nhận diện thời cơ và thách thức của Du lịch Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm thành công của các nước trên thế giới. Các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.

Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung làm rõ các nội dung, yêu cầu về: Cơ chế chính sách phát triển du lịch; huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch; cách tổ chức, quản trị phát triển du lịch từ cấp Quốc gia tới đơn vị, doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cấp, bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong phát triển du lịch...

Theo Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và thời cơ thuận lợi đan xen, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn Ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại.

Công tác xây dựng văn bản, quản lý nhà nước về du lịch được chú trọng; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; chuyển đổi số trong du lịch được thúc đẩy… Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện…

Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của Ngành. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu về mức độ, tần suất, độ phủ. Chính sách thị thực có tính linh hoạt, cạnh tranh chưa cao. Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguồn nhân lực du lịch thiếu và chất lượng chưa cao…

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp và hiến kế thu hút khách, phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững; tăng cường liên kết vùng, ngành, hợp tác công tư nhằm xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch. Các đại biểu trao đổi về vai trò của địa phương, các chủ thể trong quản lý điểm đến và xúc tiến quảng bá du lịch; khắc phục yếu tố thời vụ, đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển; vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong thu hút khách du lịch quốc tế; giải pháp tăng chi tiêu khách du lịch thông qua mua sắm hàng hóa…

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-phat-trien-du-lich-nhanh-ben-vung-351299.html


top