Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vưc đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
|
Ngày 9/5, sau khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số tỉnh biên giới Tây Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, một số bộ, ngành liên quan và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam gồm: An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tây Ninh. Trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự họp tại điểm cầu Tây Ninh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dự họp tại đầu cầu Hà Nội; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng dự họp với Thủ tướng tại đầu cầu An Giang.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 29/4 đến 12 giờ ngày 9/5, nước ta đã ghi nhận 257 ca mắc COVID-19 tại 26 địa phương, đơn vị và có nguy cơ tiếp tục có nhiều ca nhiễm mới; tình hình dịch lây lan nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch và các chủng virus lây lan nhanh hơn các lần trước.
Đối với các tỉnh biên giới, tình hình xuất nhập cảnh trái phép, chỉ trong 1 tuần qua có 24 nghìn trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ 3 quốc gia láng giềng; trong đó 515 trường hợp nhập cảnh trái phép. Đây chỉ là con số nắm bắt giữ được, còn con số người nhập cảnh trái phép có thể cao hơn.
Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết đã cùng đoàn công tác đi kiểm tra biên giới và một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ. Theo đó, tại các địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt, quản lý chặt chẽ biên giới, các chốt kiểm soát được bố trí dầy đặc, tăng cường lực lượng liên hợp…
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch COVID-19 hiện rất phức tạp, nguy cơ lây lan ra toàn quốc là rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có sự chủ động, tích cực, cảnh giác.
Mặc dù vậy, vẫn có địa phương lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chuẩn bị các kịch bản cho phù hợp. Do đó Thủ tướng khẳng định, nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng không kiểm soát được, trì trệ trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội mà do nguyên nhân chủ quan thì dứt khoát phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp trong những ngày gần đây. Một số tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... dịch diễn biến phức tạp; một số tỉnh phía Nam có nguy cơ rất cao như Khánh Hòa, Lâm Đồng...
Về nguyên nhân, theo Thủ tướng, thứ nhất là do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào; cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí thực hiện phòng, chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc. Nguyên nhân thứ hai là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng. Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế. Nguyên nhân thứ tư là tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng gây áp lực, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta lớn. Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn.
Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua đã xuất hiện hiện tượng chống phá, xuyên tạc, nói xấu, đưa thông tin sai lệch, sai sự thật trên mạng xã hội và một số phương tiện, nền tảng thông tin về công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 làm nhân dân hoang mang, dao động… Thủ tướng đề nghị các phương tiện thông tin truyền thông, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua các lực lượng trên tuyến đầu như Y tế, Quân đội, Công an... đã căng mình chống dịch trên toàn tuyến. Các địa phương có dịch, nhất là những nơi xuất hiện tình hình phức tạp, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng nhân dân đã nỗ lực quyết liệt chống dịch. Mặc dù vậy, qua kiểm tra, nhiều tỉnh còn chủ quan, lơ là, nhất là khi chưa có dịch; nhưng lúc có ca mắc thì hốt hoảng, có những giải pháp không chủ động... Đặc biệt, tại 6 tỉnh biên giới giáp với Campuchia hiện nay có nguy cơ cao do tình trạng xuất nhập cảnh và cư trú trái phép xuất hiện nhiều; tình trạng buôn lậu gia tăng, phức tạp.
Thủ tướng cho rằng, nếu dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, thì ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, ổn định chính trị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2021, việc kết thúc năm học 2020-2021...Vì vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế… về công tác phòng, chống dịch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa".
Thủ tướng chỉ đạo, các ngành, địa phương phải phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, điều trị tích cực, bàn giao, quản lý sau điều trị chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế, xã hội; Các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu qua biên giới…
Thủ tướng nhấn mạnh phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, khi nguy cơ đã hiện hữu. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phải xây dựng kịch bản cụ thể cho cấp, ngành, đơn vị mình ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục nhập vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, truyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vaccine không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá. Các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2021 an toàn; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân. Các bộ ngành, địa phương rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh biên giới, bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong phòng chống dịch. Theo đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất dự trữ, hỗ trợ các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh biên giới phía Nam để phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc điều hành chuyến bay, chuyến tàu, phương tiện vận tải hợp lý, không trì trệ, ách tắc, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch hiện nay.../.
TTXVN/VNP
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/thu-tuong-dut-khoat-xu-ly-nguoi-dung-dau-dia-phuong-neu-chu-quan-de-dich-covid-19-lay-lan-tren-dien-rong-mat-kiem-soat-260375.html