Tin tức

Thủ tướng Chính phủ họp với các chuyên gia, nhà khoa học về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Chiều 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế tại Việt Nam để thảo luận vấn đề giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
  Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN  

 Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thế giới, khu vực diễn ra rất nhanh, tác động sâu sắc, toàn diện đến kinh tế - xã hội các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên tục được điều chỉnh giảm. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần nữa lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong bản cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu sẽ chậm lại xuống 3,2% vào năm 2022 từ mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4. Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo tháng 6, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu cho năm nay xuống còn 2,9% từ mức 4,1% được đưa ra trong tháng 1/2022. Việc thu hẹp triển vọng tăng trưởng được cho là do giá năng lượng và lương thực tăng cao, tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với nguồn cung và thương mại, và lãi suất chính sách tăng nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, đánh giá việc kiểm soát lạm phát được Việt Nam thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn cần cảnh giác cao với rủi ro lạm phát vì tình hình thế giới diễn biến phức tạp, giá năng lượng tăng cao. Bà cũng đánh giá kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ và trên diện rộng, thành tích tiêm chủng xuất sắc giúp Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động. Việt Nam cũng đã dự trữ ngoại hối khá đầy đủ để triển khai các chính sách vĩ mô. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 6% trước đây lên 7%; đồng thời giữ nguyên mức dự báo lạm phát với Việt Nam trong năm 2022.

Đại dịch đã khiến các nền kinh tế phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan, dẫn đến gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng. Cũng chính đại dịch đã khiến các chính phủ phải tung ra các gói chi tiêu khẩn cấp để hạn chế tình trạng thất nghiệp và phá sản. Trong khi đại dịch vẫn chưa lắng xuống, cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang đã làm tình hình hỗn loạn càng trầm trọng thêm. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu và khí đốt Nga khiến cho nguồn cung toàn cầu càng thêm thắt chặt, đẩy giá năng lượng tăng vọt.

Về tình hình trong nước từ năm 2020 đến nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, đặc biệt những biến động nhanh, phức tạp, khó lường trên thế giới và khu vực, đưa ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng các ngành, linh vực cũng như toàn nền kinh tế. Nhờ đó, nước ta cơ bản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đặc biệt GDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với dự kiến kịch bản đặt ra đầu năm (5,1-5,7%), giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung tán thành với quan điểm của Chính phủ nói chung và trong triển khai chương trình phục hồi, phát triển nói riêng là ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, trong đó có việc sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ chính sách tiền tệ, như việc sử dụng 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Đây là một mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng nhấn mạnh: Muốn làm được điều này, chúng ta phải duy trì được các nền tảng hết sức quan trọng là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, tăng thu, tiết kiệm chi, điều chỉnh các công cụ chính sách một cách phù hợp để vừa hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn cầu thị và mong muốn tiếp tục lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo, tài liệu, đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền theo quy định./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/thu-tuong-chinh-phu-hop-voi-cac-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-ve-on-dinh-kinh-te-vi-mo-kiem-soat-lam-phat-304573.html


top