Phóng sự chuyên đề

Thủ đô Hà Nội - thành phố di sản của Việt Nam

Với lịch sử hơn 1.000 năm, Hà Nội là thủ đô văn hiến, thành phố di sản, thành phố vì hòa bình. Nơi đây có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc được hình thành, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với hàng nghìn di tích, lễ hội, làng nghề, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO công nhận.

Với lịch sử hơn 1.000 năm, Hà Nội là thủ đô văn hiến, thành phố di sản, thành phố vì hòa bình. Nơi đây có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc được hình thành, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với hàng nghìn di tích, lễ hội, làng nghề, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO công nhận.

Năm 2024, Hà Nội kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Để đánh dấu sự kiện mang tính lịch sử này, ngay trong tháng 10 Thành phố tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa đặc biệt gắn liền với các địa danh, di sản nổi tiếng của Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, khu phố cổ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… Đi cùng với đó là hàng chục tour du lịch khám phá di sản đầy hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài nước.

Trình diễn áo dài tại Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Khánh Long/VNP

Bà Stella Ciorra, Chủ tịch Hội Những người bạn của di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage - FVH), người đã sống ở Hà Nội hơn 25 năm, cho biết bà rất yêu Hà Nội, yêu những con người Thủ đô thân thiện mến khách, yêu những con đường rợp bóng cây xanh và đặc biệt là những di sản mang đậm tính nhân văn, là lịch sử của người Hà Nội. Vì vậy, để lan tỏa hình ảnh “Hà Nội - điểm đến di sản của Việt Nam” đến bạn bè quốc tế, mỗi năm FVH tổ chức khoảng 40 tour đi bộ khám phá di sản Hà Nội để du khách nước ngoài có cơ hội được khám phá vẻ đẹp các di sản của Thủ đô.


Không chỉ có bà Stella Ciorra, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (Paris Région Expertise-Vietnam - PRX-Vietnam), một kiến trúc sư rất yêu văn hóa Hà Nội, đã sống ở Hà Nội gần 15 năm và có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ Hà Nội cải tạo, trùng tu di sản biệt thự Pháp cổ chia sẻ: “Những biệt thự Pháp cổ được trùng tu đã góp phần tái hiện dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Hà Nội trong quá khứ. Những dấu ấn công trình Pháp để lại trên mảnh đất Hà Nội như biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên.. có sự gần gũi và tương đồng của hai nền văn hóa Pháp-Việt. Các công trình này là những di sản văn hóa đặc biệt cần được giữ gìn và cải tạo để không chỉ là điểm đến di tích mà còn là những không gian văn hóa sáng tạo, nơi có thể triển lãm tranh, tổ chức tour nghệ thuật hay sinh hoạt cộng đồng…”.



Hà Nội cũng là mảnh đất hội tụ của hàng nghìn lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo và hấp dẫn như: hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), hội chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)…

Hà Nội được mệnh danh là “thành phố di sản” với những di sản có giá trị lịch sử lâu đời chứa đựng cả những tinh hoa văn hóa của người Tràng An. Trong đó có những di sản mang tầm nhân loại đã được UNESCO vinh danh như: di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di sản Hội Gióng, di sản Ca trù, di sản bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Ngoài ra, nhắc đến Hà Nội không thể không nói đến các di tích, di sản cấp Quốc gia nổi tiếng như: Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là mảnh đất hội tụ của hàng nghìn lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo và hấp dẫn như: hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), hội chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)…; các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian và truyền thống như: tranh Hàng Trống, ca trù, xẩm, hát văn, rối nước, rối cạn, chèo tàu, trống quân, múa trống bồng, múa hát Ải Lao…; các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: dệt lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái…; và cả vô số món ăn ngon trứ danh trong kho tàng ẩm thực Việt Nam như: cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây...


Tháng 9/2024, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương diễn ra ở Philippines, Hà Nội vinh dự được trao giải thưởng “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination). Và cũng tại kì trao giải lần này Hà Nội lần thứ 3 được trao giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination). Điều đó cho thấy Hà Nội có sức hấp dẫn đặc biệt, trong đó có sự cộng hưởng và lan tỏa của các giá trị văn hóa và di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để tạo sức bật cho phát triển du lịch, năm 2024 Sở Du lịch Hà Nội tập trung quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm như: khu vực Thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch… để vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân vừa lan tỏa các giá trị văn hóa nổi bật của Hà Nội.

Những tiết mục nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Điệu múa "Con đĩ đánh bồng" là điệu múa cổ đất Thăng Long. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Đặc biệt, việc phát huy thế mạnh của khu phố cổ, nơi được ví như “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội được xem là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô. Vì thế nhiều hoạt động quảng bá, du lịch đã được đầu tư mạnh mẽ tại khu vực này như: phố đi bộ Hồ Gươm, chợ đêm phố cổ, du lịch khám phá nghề thuốc Đông Nam dược ở phố Lãn Ông, các hoạt động nghệ thuật dân gian tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm... Các hoạt động này không chỉ giúp di sản phố cổ có điều kiện bảo tồn, phát huy được thế mạnh không gian kiến trúc khu phố cổ mà còn gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa, đời sống, nếp sinh hoạt truyền thống có từ lâu đời của người Hà Nội.

Với những bước quy hoạch, đầu tư mang tính bền vững và có tầm nhìn sâu rộng về hệ thống di sản, Hà Nội sẽ tiếp tục là trung tâm du lịch văn hóa hàng đầu của cả nước và khu vực, thu hút được lượng lớn du khách quốc tế. Ngay trong năm 2024 này, năm Hà Nội kỉ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, ngành du lịch Thủ đô dự kiến sẽ đón được 27 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 109 nghìn tỉ đồng.

Du khách khám phá nghề làm bạc trên phố cổ Hàng Bạc. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Nói về việc bảo tồn và phát triển thế mạnh di sản của Hà Nội, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sự đổi thay của Hà Nội chính là ở các điểm đến văn hóa di sản được tỏa sáng và đón du khách bốn phương hội tụ về với Hà Nội. UNESCO luôn đồng hành và hỗ trợ Hà Nội những giải pháp cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế xã hội, tăng sinh kế của cộng đồng địa phương lân cận khu vực di sản”./.

Bài: Bích Vân      Ảnh: Tất Sơn, Thanh Giang, Công Đạt, Trịnh Bộ, Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam, Giang Huy  & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/thu-do-ha-noi-thanh-pho-di-san-cua-viet-nam-378691.html


top