Thời trang

Thời trang “Xây dựng tương lai” kết nối văn hóa hữu nghị quốc tế

6 nhà thiết kế trẻ của Việt Nam mang theo những khát vọng hoài bão của người Việt trẻ làm ra những bộ sưu tập hòa bình mang thông điệp kết nối vòng tay bạn bè. Những bộ sưu tập này được trình diễn chào mừng sự kiện 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Anh quốc.
 
 
Trong những năm gần đây, Vương quốc Anh đã hợp tác với Việt Nam đa dạng trong lĩnh vực thời trang bền vững thể hiện chủ đề “ dựng xây cho tương lai”. Nhiều nhà thiết kế Việt Nam đã tham gia những khóa học do chuyên gia Anh Quốc đào tạo ở Học viện Thời trang London cũng như các khoa chuyên sâu khác tại Anh. Trở về Việt Nam, đội ngũ nhà thiết kế này đã làm sáng đèn các sân khấu thời trang trong nước bằng những bộ sưu tập mới, không chỉ xuất sắc về tư duy sáng tạo mà còn luôn hướng đến giá trị cộng đồng, đặc biệt đi tiên phong trong việc thúc đẩy thời trang bền vững.
Đêm trình diễn thời trang được diễn ra thu hút rất đông sự quan tâm của người xem. Ảnh: Tư liệu

Sân khấu Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục rực rỡ sắc màu trong một tối mùa thu Hà Nội, 6 bộ sưu tập của 6 nhà thiết kế gồm Vũ Tá Linh,,, mang chung một phong cách và thông điệp: Cùng thời trang kết nối tình hữu nghị Việt Nam và quốc tế. Có thể kế đến ở đây là Nhà thiết kế Vũ Tá Linh, Linh từng đạt giải Quán quân cuộc thi Thiết kế thời trang Châu Á Star Creation 2013; Giải nhất cuộc thi Designer by Viet Nam 2021.Vũ Tá Linh đã có 10 năm hành trình sự nghiệp thời trang bền vững. Các thiết kế trong BST có nhiều mẫu là quần áo cũ được tái chế, hoặc sử dụng chất liệu vải tự nhiên dễ phân hủy, cách xử lý vải cũng hạn chế rác thải như: nhuộm thực vật, xử lý vải bằng tay như xé, rút sợi, khâu tay…Những sản phẩm của Linh từ những chiếc áo xé và loang màu, những chiếc áo chần bông, những áo quần cũ bạc màu, những vải thổ cẩm hay lụa bóng,…đều được cố gắng xử lý và cân bằng trong tổng thể”.

 
Khác với Vũ Tá Linh, Nhà thiết kế Huệ Anh với những bộ sưu tập thời trang tràn ngập sự tinh hoa truyền thống. Chị lấy cảm hứng từ Thị trấn Sapa và Trang phục dân tộc H'Mông. Bộ sưu tập là sự kết hợp giữa trang phục dân tộc truyền thống và thời trang hiện đại. Nguyên liệu chính là vải taffeta và quần áo được tái chế từ trang phục dân tộc. Nhà thiết kế muốn hướng đến những ai yêu thiên nhiên, tự do và tôn vinh vẻ đẹp của trang phục dân tộc. 
 

Với sự năng động, Nhà thiết kế Huyền Phạm- Nhà sáng lập thương hiệu thời trang La’llee’ lại lấy tiêu chí thủ công, tinh xảo, dễ ứng dụng để đưa vào từng trang phục. Huyền Phạm mang đến những thiết kế tinh tế trên nền chất liệu vải cao cấp có độ bền giúp duy trì tuổi thọ trang phục lâu dài. Mang theo sự hiện đại của thời trang quốc tế, Nhà thiết kế Lam Bùi- người từng Du học tại London College of Fashion, Anh Quốc mang đến sân khấu bộ sưu tập “Missed and Remembered”. Chị sử dụng nhiều vải sợi tự nhiên dễ tái chế cùng phương pháp nhuộm thực vật hạn chế chất hóa học độc hại. Để đảm bảo Bộ sưu tập sử dụng những chất liệu thân thiện nhất với môi trường, Nhà thiết kế còn nhập thêm vải da dứa từ Tây Ban Nha. Vải da dứa (Pinatex) làm từ lá dứa có thể tự phân hủy và thay thế cho chất liệu da động vật. Sự độc đáo của chất liệu này đã làm nên sự đặc sắc cho bộ sưu tập của Lam Bùi.

Xu hướng quần áo đa năng, không lỗi mốt được nhà thiết kế chú trọng trong bộ sưu tập.
 

Nhà thiết kế Esther Trâm - Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Esther Studio cống hiến cho công chúng những bộ sưu tập phản ánh sự tự do cá nhân và biểu tượng cho tính cá nhân của mỗi người thông qua việc thể hiện sự đa dạng trong cấu trúc thiết kế. Các mẫu Blazer, quần tây, sơmi có sự tỉ mỉ trong kỹ thuật, phom dáng tối giản làm tăng khả năng kết hợp và tránh bị lỗi mốt, giúp kéo dài vòng đời cho sản phẩm.

Cách xử lý vải của Vũ Tá Linh cũng làm hạn chế rác thải như: nhuộm thực vật, xử lý vải bằng tay như xé, rút sợi, khâu tay…
 Nhà thiết kế Tạ Thị Hương  (Top 6 Vietnam Newgen Award 2020) với bộ sưu tập mang tên  “Sắm Vai” lại thấm đẫm màu sắc nghệ thuật dân gian của những vở hát Bội. Đây là sự pha trộn giữa bản sắc văn hóa phương Đông kết hợp với hơi thở của thời trang đương đại.  Xu hướng quần áo đa năng, không lỗi mốt được nhà thiết kế chú trọng trong BST.
 

Rất nhiều cảm xúc và sự ấn tượng trong 6 bộ sưu tập thời trang gọi tên “Tình hữu nghị quốc tế”. Điểm chung của các bộ sưu tập này các nhà thiết kế đã ưu tiên dùng nguyên liệu tự nhiên hoặc tái chế, Lựa chọn cách xử lý vật liệu để ít tạo ra rác thải, Có nhiều nhà thiết kế dùng màu nhuộm thực vật, có nhà thiết kế lại làm mới chất liệu không cần tới máy móc hóa chất như xé, rút rợi, gấp dúm, khâu tay…Từ đó giúp các mẫu thiết kế “sống” được lâu nhất, thân thiện với môi trường đặc biệt, có sự kết nối cảm xúc để người mặc yêu thích sản phẩm và gìn giữ sản phẩm bên mình lâu nhất. Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc điều hành - Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội cho biết: "Tôi rất tự hào và cảm xúc với những bộ sưu tập thời trang mang sắc màu tình hữu nghị được trình diễn bởi một số nhà thiết kế từng là học viên của Học viện. Mong rằng những thiết kế này sẽ được ứng dụng trong cuộc sống và cùng là một kết nối lan tỏa tình hữu nghị hợp tác trong lĩnh vực thời trang Việt Nam- Anh Quốc".

Bài: Bích Vân, ảnh: Thanh Giang/ Báo ảnh Việt Nam

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/thoi-trang-xay-dung-tuong-lai-ket-noi-van-hoa-huu-nghi-quoc-te-344038.html


top