Thời trang

Thời trang giao thoa giữa di sản và giá trị văn hóa đương đại

Với chủ đề Intertwine, Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2023 của Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội là màn hội tụ giao thoa của hơn 20 nhà thiết kế Gen Z mong muốn tạo ra những sản phẩm thời trang trách nhiệm với cộng đồng, truyền cảm hứng hướng về tính bền vững khi sử dụng thời trang tới mọi người.

Với chủ đề Intertwine, Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2023 của Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội là màn hội tụ giao thoa của hơn 20 nhà thiết kế Gen Z mong muốn tạo ra những sản phẩm thời trang trách nhiệm với cộng đồng, truyền cảm hứng hướng về tính bền vững khi sử dụng thời trang tới mọi người.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2023
Thầy Douglas Maclennan- Hiệu trưởng đối ngoại, Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội cho biết: “Chủ đề “Giao thoa” là cách các sinh viên ngành thời trang đã áp dụng vào tư duy thiết kế và niềm tin của mình để thực hiện các dự án tốt nghiệp, cũng chính là những dự án được trưng bày tại buổi triển lãm bên lề sự kiện trình diễn bộ sưu tập tốt nghiệp dưới dạng ảnh và nghệ thuật. Mỗi bộ sưu tập mang một phong cách và cá tính riêng nhưng đều thể hiện thông điệp chung đến các từ nhà thiết kế rằng hãy sử dụng thời trang một cách thông minh và hợp lý nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.”.
Bộ sưu tập “Corporate Identities” của Bùi Lê Ngọc Vy  mở ra một thế giới đa chiều của chốn công sở với nét châm biếm với bảng màu trung tính gồm đen, trắng, ghi, xanh denim. 

Tuần lễ tốt nghiệp thời trang năm nay với sự góp mặt của hơn 20 nhà thiết kế tham gia với hoạt động triển lãm các tác phẩm tốt nghiệp thể hiện quá trình phát triển bộ sưu tập từ ý tưởng ban đầu tới sản xuất và marketing, trình diễn những bộ sưu tập sáng tạo nhất trên sàn catwalk.

Các bộ sưu tập lấy chủ đề “Intertwine” được trình diễn trong Tuần lễ tốt nghiệp thời trang năm nay được thể hiện rất sinh động và đa dạng về sự giao thoa muốn gửi đến người yêu thời trang qua các góc nhìn đa dạng của thế hệ những nhà thiết kế Gen Z. Đó là sự giao thoa giữa con người và thời trang, giữ thời trang và thiên nhiên, giữa thời trang và cuộc sống, giữa quá khứ và hiện đại, giữa di sản và các giá trị văn hóa đương đại, giữa các góc nhìn về những vấn đề của xã hội hiện đại.

Bộ sư tập "Achilles ở Vietnam" của Nguyễn Thu Trang lấy cảm hứng từ 2 tác phẩm có thật và hư cấu về chiến tranh là cuốn “Achilles ở Việt Nam” của Johnathan Shay và tác phẩm “Iliad và Odyssey” của Homer.

Sự giao thoa giữa hiện tại và quá khứ được thể hiện qua những bộ sưu tập tôn trọng giá trị văn hoá và di sản như: Bộ sưu tập "Tinh hoa nghệ thuật" xoay quanh việc kế thừa và tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc của nhà thiết kế kế trẻ Phạm Quang Thắng, xuyên suốt bộ sưu tập là tông màu trầm tối của chất liệu vải tự nhiên với kỹ thuật xử lý như dệt, điêu khắc, khảm tra để phản ánh hiện thực của các làng nghề đang bị mai một. Hay bộ sưu tập “Đoan trang” dựa trên tinh thần trong thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương về khía cạnh tính dục và sự tự do của phụ nữ Việt Nam của nhà thiết kế Dương Minh Anh.
Bộ sưu tập "Tinh hoa nghệ thuật" của Phạm Quang Thắng xoay quanh việc kế thừa và tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc. Xuyên suốt bộ sưu tập là tông màu trầm tối nhằm phản ánh hiện thực đa số các làng nghề truyền thống đang dần mai một. Chất liệu đều là vải tự nhiên như: vải Lãnh Mỹ A, lụa tơ tằm Vạn Phúc, đũi Nam Cao, vải lanh mài đá của người H’Mông, vải da dứa,...
Bộ sưu tập “Hồi ký của mẹ” của Trần Thị Cẩm Tú lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kháng chiến 

Bên cạnh đó, các bộ sưu tập còn thể hiện điểm giao thoa giữa con người và thiên nhiên, công chúng yêu thời trang có thể tìm thấy ở ­loạt thiết kế đi theo hướng thời trang xanh hạn chế rác thải gây hại cho môi trường qua các bộ sưu tập như "Chúng đang quan sát bạn” của nhà thiết kế Lỗ Thị Thanh Dung mang thông điệp về sự tỉnh thức đối với loài người dưới hệ quả của sự tàn phá, khi nhìn vào bộ sưu tập, người xem sẽ có cảm giác như đang bị "chúng" quan sát, nhắc nhở về hậu quả và nỗi đau mà con người gây ra. Hay bộ sưu tập “Hoá thân” của nhà thiết kế Nguyễn Phạm Thu Trang, nhà thiết kế muốn nhấn mạnh câu hỏi: “Liệu quần áo có giúp định nghĩa nên con người? Khi mặc lên người một thứ gì đó, đấy có phải cách chúng ta biến đổi hình thái. Và nếu không thì chúng ta là ai?.

Bộ sưu tập "Comfort zone" của Võ Minh Diệu Anh lấy cảm hứng những ký ức của tuổi thơ 
 
 

 

Và một trong những điểm giao thoa được các nhà thiết kế thể hiện mà nhiều người quan tâm đó là sự giao thoa giữa góc nhìn hiện đại về những vấn đề xã hội, cuộc sống như tình trạng làm việc kiệt sức, áp lực nơi công sở, sự đa dạng giới, sự khác biệt ngoại hình, vẻ đẹp của sự lão hóa… Có thể kể đến bộ sưu tập “After hours” của nhà thiết kế Khuất Ngọc Hà lấy cảm hứng từ một hiện tượng thường gặp trong xã hội Nhật Bản mang tên “Karoshi” – làm việc cho đến kiệt sức. Hay bộ sưu tập “Corporate Identities” của nhà thiết kế Bùi Lê Ngọc Vy mở ra một thế giới đa chiều của chốn công sở với nét châm biếm. Có thể nói, với mỗi góc nhìn khác nhau thể hiện bằng những kiến thức và kỹ năng được học trong thời gian học tập tại Học viện Thiết kế và Thời trang London- Hà Nội, các nhà thiết kế đã đem đến cho người xem những tác phẩm độc đáo, lạ mắt với góc nhìn mới về thời trang.

Các sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh cùng khách mời và giáo viên của nhà trường.

 

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/thoi-trang-giao-thoa-giua-di-san-va-gia-tri-van-hoa-duong-dai-353038.html


top