Khám phá

Thổ cẩm dân tộc Chăm, Khmer và vùng Trường Sơn - Tây Nguyên

Thổ cẩm của đồng bào Chăm, Khmer và các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nổi tiếng với những loại hoa văn, họa tiết độc đáo. Vẻ đẹp ấy vừa được giới thiệu đến với công chúng tại một cuộc triển lãm ở Tp. Hồ Chí Minh.
Triển lãm “Hoa văn trên vải dân tộc Chăm, Khmer và các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên” trưng bày 152 hình ảnh, 84 hiện vật giới thiệu những cách thức dệt, nhuộm, tạo ra các mẫu hoa văn trên vải được các dân tộc khu vực này trao truyền qua nhiều thế hệ.

Bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, hoa văn trên vải của người Chăm, Khmer và các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thường gần gũi với môi trường sống, mang đậm nét văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng của các dân tộc.


Khung dệt vải thổ cẩm của người Ê Đê.


Đai lưng dệt của người Chăm tỉnh Ninh Thuận.


Khung lên sợi trong kỹ thuật buộc nhuộm Ikat của người Khmer.


Xa quay sợi của người Chăm tỉnh Ninh Thuận.


Các vận dụng để dệt thổ cẩm.


Hoa văn trên vải dân tộc, tôn vinh hình ảnh những người phụ nữ dân tộc trong việc bảo tồn,
lưu truyền nghề truyền thống; quảng bá nghề truyền thống.


Những bộ quần áo phụ nữ Hrê, M'Nông, Ê Đê, Ba Na, Mạ... được dệt hoa văn thổ cẩm, mang đậm nét đặc sắc tộc người.


Tấm đắp của người Mạ tỉnh Lâm Đồng.


Hoa văn hình thú.


Hoa văn hình người.


Hoa văn thổ cẩm của người Pa Kô.


Hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Hrê.


Hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Mạ.


Hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Ê Đê.


Màu sắc chủ đạo trên những tấm thổ cẩm của dân tộc Êđê, Gia Rai, Stiêng, K'ho… thường có đen, đỏ, xanh, vàng.
 

Kỹ thuật dệt của dân tộc các vùng miền ở Việt Nam thô sơ tạo ra những tấm vải đẹp,
phong phú về họa tiết và màu sắc hấp dẫn với du khách nước ngoài.

Được biết, để có những tấm vải thổ cẩm đẹp với những đường nét, hoa văn độc đáo là cả một quá trình lao động công phu từ cán bông, kéo sợi, nhuộm màu và dệt. Qua nhiều thế hệ, người thợ dệt, đặc biệt là phụ nữ ngoài việc chăm chỉ làm nghề, họ còn dạy cho con cháu mình những cách thức, bí quyết để làm nên những tấm thổ cẩm đẹp.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt, từng tấm thổ cẩm của mỗi dân tộc trở nên độc đáo chính là nhờ vào cách phối hợp màu và tạo hoa văn. Theo quan niệm của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, nền vải màu đen đặc trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Còn hoa văn thì có màu đỏ biểu tượng cho đam mê và tình yêu, màu xanh là màu của đất trời, màu vàng là màu của ánh sáng. Do vậy, màu sắc chủ đạo trên những tấm thổ cẩm của dân tộc Êđê, Gia Rai, Stiêng, K’ho… thường có đen, đỏ, xanh, vàng.

Bên cạnh đó, những dân tộc trên dãy Trường Sơn như người Cơ Tu và Tà Ôi ngoài việc dệt hoa văn bằng chỉ màu, họ còn có sở trường dệt hoa văn bằng hạt cườm, tạo nên những hình ảnh sống động.

Nét đặc sắc của thổ cẩm dân tộc Chăm, Khmer và các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên còn do màu sắc được nhuộm từ các nguyên liệu thiên nhiên như: Sợi màu đen được nhuộm từ trái mặc nưa, màu vàng từ củ nghệ hoặc vỏ cây B’hoot, màu đỏ từ nhựa cây Pa - Keik, màu cam từ dầu hạt điều…


Vỏ cây dùng để nhuộm màu chỉ dệt.

 
Nhựa cây dùng để nhuộm màu đỏ.


Hạt dầu điều (Đu đủ tía) dùng nhuộm màu cam.


Trái mặc nưa nguyên liệu nhuộm màu đen.

Riêng người Chăm và người Khmer, kỹ thuật dệt vải, tạo hoa văn của người thợ dệt là khá công phu và phức tạp, đòi hỏi phải có tay nghề cao trong quy trình nhuộm sợi, mắc sợi, bắt canh chỉ, dập sợi... Đó chính là yếu tố khiến mỗi tấm thổ cẩm không trùng lặp nhau và trở thành một tác phẩm nghệ thuật in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt.

Anh David Walker, du khách người Anh cho biết: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi kỹ thuật dệt của dân tộc các vùng miền ở Việt Nam thật thô sơ mà vẫn tạo ra những tấm vải thật đẹp, phong phú về họa tiết và màu sắc hấp dẫn…”.

Những hiện vật trưng bày tại Triển lãm “Hoa văn trên vải dân tộc Chăm, Khmer và các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên” nhằm tôn vinh những người phụ nữ trong việc bảo tồn, lưu truyền nghề truyền thống của mình đến đến với cộng đồng và quảng bá du lịch các địa phương./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tho-cam-dan-toc-cham-khmer-va-vung-truong-son-tay-nguyen-69532.html


top