Khám phá

Thiên Mụ - đệ nhất cổ tự xứ Thần kinh

Huế là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Nơi đây có nhiều chùa chiền, cơ sở thờ tự lớn của Phật giáo. Đặc biệt, chùa Thiên Mụ, một đại danh lam được mệnh danh là “đệ nhất cổ tự” của xứ Thần kinh không chỉ đẹp về mặt cảnh quan, kiến trúc mà còn có ý nghĩa trong tiến trình lịch sử hình thành nên kinh đô Huế, trung tâm quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, hướng mặt ra phía dòng sông Hương thơ mộng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Chuyện kể rằng, năm 1600, lúc mới vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong) thường đích thân đi xem xét địa thế để mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ. Trong một lần rong ruổi lên vùng mạn ngược của sông Hương, ông bắt gặp ở phía bờ Bắc có một ngọn đồi nhỏ tên là Hà Khê nhô lên bên một khúc quanh của dòng sông tạo nên thế đất như con rồng đang ngoái đầu nhìn lại. Dân trong vùng còn kể rằng, đêm đêm có một bà tiên mặc quần xanh áo đỏ xuất hiện trên đồi nói với mọi người rằng sẽ có một vị minh chúa đến đây lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch cho nước Nam hùng mạnh.

Nguyễn Hoàng nghe chuyện cả mừng nên năm 1601 đã cho xây dựng một ngôi chùa ở trên đồi và đặt tên là “Thiên Mụ”, có nghĩa là “Bà mụ nhà trời”. Đến năm 1862, do sợ chữ “Thiên” phạm húy” đến “Trời” nên vua Tự Đức cho đổi "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ", nghĩa là “Bà mụ linh thiêng".

Theo các nhà nghiên cứu, việc Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng hai ngôi quốc tự là chùa Thiên Mụ (năm 1601) ở thượng nguồn sông Hương và chùa Sùng Hóa (năm 1602) ở phía hạ lưu chính là việc “đánh dấu” vùng đất xây dựng cơ đồ của dòng họ Nguyễn (gồm 9 chúa 13 vua) ở xứ Đàng Trong, mà khởi đầu là việc lập phủ ở Kim Long (ngay gần chùa Thiên Mụ) của các chúa Nguyễn, rồi tiếp đến là xây dựng kinh đô Phú Xuân (trung tâm Tp. Huế ngày nay) của các vua nhà Nguyễn sau này. Đồng thời, việc tạo nên chuyện Bà Mụ mang màu sắc huyền bí khi xây chùa Thiên Mụ âu cũng là cách thu phục nhân tâm của chúa Nguyễn khi mới vào nắm quyền cai trị vùng đất “ô châu ác địa” với đủ thứ thành phần cư dân lưu tán, tội phạm, trộm cướp từ khắp nơi kéo về ẩn thân sinh sống ở Thuận Hóa lúc bấy giờ.

4 trụ biểu lớn và 19 bậc cấp dẫn lối từ dưới đường lên đến sân chùa. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Tháp Phước Duyên, một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng của xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Tam quan chùa xây 2 tầng, tầng trên là nơi thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Bà Mụ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Hai pho tượng hộ pháp lớn ở cửa chính cổng tam quan. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Du khách viếng chùa lễ Phật. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Tính từ năm 1601 đến nay, chùa Thiên Mụ đã trải qua 421 năm thăng trầm cùng lịch sử nhưng vẫn mang dáng vẻ tuyệt đẹp về mặt cảnh quan và kiến trúc, xứng danh là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp nổi tiếng nhất đất Thần kinh) và là ngôi quốc tự đứng đầu của xứ Huế.

Ngày nay, chùa thuộc địa phận phường Kim Long, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km. Trước cổng chùa, ngay bên kia đường là bến thuyền lớn nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Từ dưới đường lên đến sân chùa có 19 bậc cấp xây bằng gạch, ở bậc thứ 5 có 4 trụ biểu lớn. Lên đến sân chùa, ngay chính giữa khu vườn thông xanh mướt là tháp Phước Duyên, hai bên có 1 nhà chuông và 3 nhà bia. Sau tháp Phước Duyên mới đến cổng tam quan lớn xây hai tầng, tầng trên có tượng thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Bà Mụ - người đã báo mộng việc minh chúa đến xây chùa. Tam quan có ba cửa ra vào, mỗi cửa có 2 pho tượng hộ pháp lớn đắp bằng vôi vữa rất tinh xảo. Phía trong cổng, hai bên tả hữu là hai gian nhà có 6 pho tượng hộ pháp lớn trong tư thế ngồi cũng rất uy nghiêm, đường bệ. Từ cổng tam quan đi qua một khoảng sân rộng là đến ngôi chánh điện lớn được xây theo lối nhà rường truyền thống Huế nhưng mang dáng dấp kiến trúc cung đình với hai lớp mái ngói chồng lên nhau cùng với đầu đao rồng và các ô hộc trang trí giống như cách thức thường thấy ở các công trình trong cung nhà Nguyễn. Phía sau chánh điện là khu vườn lớn với nhiều loài cây cỏ quý hiếm. Trong vườn có nhà tăng, các khu thờ tự, sau nữa là rừng thông và khu mộ tháp của các bậc cao tăng trụ trì chùa.

Ngôi chánh điện được xây theo kiểu nhà rường truyền thống Huế nhưng có sự ảnh hưởng của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Dấu ấn kiến trúc cung đình thể hiện rõ ở các kết cấu rường cột và ô hộc trang trí bên trong ngôi chánh điện. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Đầu đao, máng thoát nước hình mây, rồng khảm sành sứ theo lối kiến trúc cung đình nhà Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Hai bên tả hữu phía sau tam quan là hai gian nhà tượng hộ pháp. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Chùa có 12 pho tượng hộ pháp lớn được đắp bằng vôi vữa với đường nét tinh xảo và dáng vẻ uy nghiêm, đường bệ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Kể từ lúc xây dựng đến nay, chùa Thiên Mụ đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng có lẽ lần đại trùng tu vào năm 1714 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (vị chúa Nguyễn thứ 6) thì mới mang đậm dấu ấn kiến trúc cung đình bề thế và hoa mĩ như ngày nay. Ngoài việc cho xây dựng nhiều công trình lớn như lầu chuông, lầu trống, chánh điện, nhà tăng, nhà thuyết pháp, lầu tàng thư... chúa Nguyễn Phúc Chu còn cho đúc quả đại hồng chung bằng đồng nặng 3285 cân (hơn 2000kg) và dựng bia đá “Ngự kiến Thiên Mụ tự” cao 3,89m, rộng 1,68m, dày 0,25m đặt trên lưng một con rùa đá lớn. Cả hai hiện vật quý này nay đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Đến năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là tháp Phước Duyên) với lối kiến trúc tuyệt đẹp hình bát giác, cao 21m, gồm 7 tầng ở phía trước cổng tam quan của chùa. Tháp giờ đã trở thành một công trình tiêu biểu, độc đáo trong kiến trúc chùa cổ Việt Nam và là một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng của xứ Huế.

Trải qua thời gian, mưa gió, nhiều hạng mục kiến trúc của chùa dần xuống cấp nên từ năm 2003 đến 2006, chùa Thiên Mụ lại tiếp tục được đại trùng tu một lần nữa với tổng kinh phí hơn 26 tỉ đồng (khoảng 1 triệu USD) trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc cũ.

Ngày nay, chùa Thiên Mụ là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của cố đô Huế, mỗi năm thu hút cả triệu lượt khách và Phật tử đến tham quan, hành lễ. Đến với chùa Thiên Mụ, du khách không chỉ được chiêm ngắm vẻ đẹp thơ mộng, tuyệt mĩ của một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, mà còn được hiểu thêm về một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành nên kinh đô Huế./.

Mỗi năm chùa thu hút cả triệu lượt khách và Phật tử đến tham quan, hành lễ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Nhà chuông nằm giữa khu vườn thông xanh quanh năm vi vu gió thổi. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Thiếu nữ Huế vãn cảnh chùa Thiên Mụ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Du khách nước ngoài tham quan chùa Thiên Mụ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại chùa Thiên Mụ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/thien-mu-de-nhat-co-tu-xu-than-kinh-309780.html


top