Kinh tế

Thế giới ấn tượng với thành tựu kinh tế Việt Nam thời kỳ Đổi mới

Sau ngót 30 năm bắt tay vào công cuộc Đổi mới kể từ năm 1986, Việt Nam đã từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã hội của thời kỳ hậu chiến, dần xóa bỏ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.
Tại các cuộc hội thảo quốc tế diễn ra trong cũng như ngoài nước thời gian gần đây, nhiều nhà quản lí, học giả nước ngoài ghi nhận những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt có nhà nghiên cứu đánh giá Việt Nam rất thành công trong công cuộc đổi mới.
 
Trong cuộc hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP, khẳng định những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong gần 30 năm qua là rất ấn tượng.
 
Bà Helen Clark cho rằng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% từ năm 1990 đến năm 2010, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người vào cuối hai thập niên này gấp gần năm lần so với đầu thập niên. Tỉ lệ số người cực nghèo đã giảm từ 63,7% vào năm 1993 xuống 4,3% vào năm 2010.



Nhiều Thành phố lớn ở Việt Nam như Tp. Hồ Chí Minh,
sau gần 30 năm đổi mới đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại mang tầm khu vực. Ảnh: Nguyễn Minh Tân

 

Các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu
và trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường nhiều nước. Ảnh: Tư liệu BAVN

 

Từ một đất nước phải nhập gạo những năm 90 của thế kỷ trước,
Việt Nam hiện trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh: Tư liệu BAVN

 

Đối với lĩnh vực y tế, việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa
cũng đã được thực hiện đến từng thôn, từng bản. Ảnh: Hoàng Hà



Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Việt Nam đã đạt được những đổi mới căn bản
và toàn diện theo nhu cầu phát triển của xã hội. Ảnh: Hoàng Hà



Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đẩy mạnh công tác nghiên cứu,
ứng dụng khoa học về nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Anh Tuấn



Mô hình trồng bầu giống F1 tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh.  Ảnh: Thanh Vũ
 
Hơn 97% số hộ gia đình Việt Nam đã được sử dụng điện và các nguồn năng lượng mới khác. Tiến bộ quan trọng về bình đẳng giới, trong đó có giáo dục, việc làm và y tế, cũng đã đạt được.
 
Bà Helen Clark đánh giá Việt Nam có nhiều thế mạnh, như lực lượng lao động tương đối trẻ và có khả năng cạnh tranh, nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa lí nằm ở trung tâm của một khu vực năng động. Bà tin tưởng rằng với những lựa chọn chính sách sáng suốt, Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng.
 
Tháng Hai năm nay, tại thủ đô Paris của Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) tổ chức hội thảo “Cải cách kinh tế Việt Nam: Vai trò của các đối tác chiến lược mới”.
 
Tại Hội thảo, thông qua bài tham luận của mình, luật sư Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty luật Duane Morris Vietnam LLC, đã cung cấp cho các cử tọa bức tranh kinh tế Việt Nam với các kết quả lạc quan, đáng khích lệ trong năm 2014. Luật sư Oliver Massmann đã nói đến sự thay đổi rất tích cực ở Việt Nam trong 25 năm ông sống và làm việc.
 
Đó là từ chỗ là nước còn rất nghèo, phải nhập khẩu gạo khi ông đến vào năm 1990, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ông bày tỏ sự lạc quan về những cải cách đang diễn ra và tin rằng nhiều cải cách sẽ được tiếp tục trong thời gian tới, giúp Việt Nam đạt được bước tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai.
 
Tiếp đó, vào tháng Tư, hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập (1975-2015)” đã diễn ra tại Bình Dương, do bốn trường đại học là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, phối hợp tổ chức.
 
Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu tham gia với hơn 300 tham luận, trong đó có 20 tham luận của các học giả đến từ Mỹ, Pháp, Australia, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…
 
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu tại hội thảo đưa ra chung một nhận định: Từ 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang đi trên con đường Đổi mới, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh, quốc phòng.
 
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã và đang phát triển với tốc độ nhanh trên quy mô ngày càng lớn và toàn diện theo đúng yêu cầu phát triển tiến bộ của lịch sử dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhiều học giả khi nghiên cứu đã chỉ ra những thách thức của xu thế toàn cầu hóa mà Việt Nam cần nhận diện toàn diện hơn để có giải pháp phù hợp.
 
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Tsuboi Yoshiharu, Đại học Waseda của Nhật Bản cho rằng, môi trường quốc tế xung quanh Việt Nam thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang trong quá trình tạo lập và các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã gần về đích.
 
Theo ông, Việt Nam cần phải có những tầm nhìn dài hơn với kế hoạch 30 năm, 50 năm, thay vì là các kế hoạch 5 năm, 10 năm như trước. Ông mong muốn Việt Nam có thể đưa ra một tầm nhìn cụ thể trong 50 năm tới để trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các nước ASEAN, có vị trí trên thế giới./.

 
Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/the-gioi-an-tuong-voi-thanh-tuu-kinh-te-viet-nam-thoi-ky-doi-moi-96330.html


top