Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.
Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.
Tháp Đôi tọa lạc ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn, trong một không gian rộng lớn với diện tích lên đến 6000m2 là điều kiện lý tưởng để du khách tới tham quan. Đây là một trong tám cụm tháp Chăm Pa còn lại trên đất Bình Định và cũng là một trong những di tích kiến trúc văn hóa Chăm Pa mang đậm màu sắc tôn giáo đặc sắc.
Theo tài liệu lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Tháp Đôi, tháp còn có cái tên gọi khác là Tháp Hưng Thạnh có niên đại cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa. Trong tiếng Chăm, những đền tháp được gọi là kalan tức lăng, là nơi các vị vua xây dựng để thờ phụng thần linh. Những vị thần được thờ tại đây có thể là thần hủy diệt Siva, phúc thần đầu người mình voi Ganesha hoặc những vị Phật tùy vào niềm tin và lòng kính mộ của mỗi vị vua. Tuy nhiên, xã hội Chăm Pa ngày xưa có sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền nên nhiều tháp còn thờ những vị vua Chăm Pa.
Tháp có cấu trúc độc đáo, gồm hai tháp, tháp lớn cao khoảng 25m, tháp nhỏ cao 23m, cửa chính của hai tháp đều quay về hướng Nam. Tháp được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau bằng một thứ chất kết dính đặc biệt, một kỹ thuật xây độc đáo chỉ có ở người Chăm mà ngày nay người ta vẫn chưa giải mã được. Tháp được cấu trúc thành ba phần chính: Chân tháp là khối đá (tháp lớn), gạch (tháp nhỏ) được xếp chồng một cách vững chãi; thân tháp khối vuông và đỉnh tháp mặt cong được tạo thành bởi gạch nung xếp khít chặt.
Những hoa văn độc đáo của Tháp Đôi.
Về tháp lớn, đươc tạo dáng khá cân đối, phần thân và mái đều được xử lý tinh tế bằng những đường diềm hơi thắt lại làm bố cục kiến trúc thêm chặt chẽ, hai bên trang trí hoa văn đối xứng kết hợp với 21 hình vũ nữ được chạm khắc tinh tế vòng quanh diềm mái trông rất sống động. Giữa phần ngăn cách mái và thân tháp được trang trí bằng hình tu sĩ ngồi thiền và hai bên là voi châu đối xứng. Sự tỉ mỉ của người Chăm sẽ khiến bạn cảm thấy đây thực sự mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Với tháp nhỏ cũng có cấu trúc tương tự như tháp lớn nhưng ở phần diềm mái thay vì các hình vũ nữ, hình khắc trang trí lại thể hiện một đàn hươu 13 con với những dáng vẻ rất khác nhau trông rất tinh nghịch và sống động.
Những tiết mục múa cổ của người Chăm được tái hiện để phục vụ du khách tới tham quan.
Ngày nay, Tháp Đôi đang ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, tinh tế, sắc sảo của người Chăm Pa mà nơi đây còn để lại trong lòng du khách những giá trị văn hóa đặc sắc. Những điệu múa của các cô gái Chăm được phục dựng lại để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm thêm phần sinh động./.
Một số thông tin tiện ích cho du khách tham quan Tháp Đôi ở Quy Nhơn:
+ Giá vé vào cửa cho người lớn là: 20.000đ/vé/lượt; Giá vé vào cửa cho trẻ em dưới 1,2m được miễn phí.
+ Thời gian mở cửa: Từ 07h00 đến 18h00 tất cả các ngày trong tuần
- Bài và ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/thap-doi-dau-an-van-hoa-cham-pa-o-quy-nhon-364059.html