Văn hóa

Thành kính Lễ tế Giao

Tối 8/4/2012, trong khuôn khổ chương trình Festival Huế 2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Lễ tế Giao, tức lễ tế Trời và Đất tại Đàn Nam Giao.
Đây là lễ tế có từ thời nhà Nguyễn nhằm mục đích cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình và thịnh vượng.

Đúng 20 giờ, Lễ tế được bắt đầu. Đoàn tế với trang phục nghi lễ cung đình đi từ Trai Cung sang Đàn Nam Giao để thực hiện Lễ. Năm nay, Lễ tế không có đoàn voi, ngựa cùng vua, quan, binh lính xuất cung và hồi cung như Festival Huế 2010 nhưng vẫn đầy đủ các nghi lễ trang trọng tại đàn tế. Ngoài phần nghi lễ tế tại Đàn Nam Giao, các giai đoạn còn lại được tổ chức dưới dạng sân khấu hoá để phục vụ du khách và cộng đồng.
 

Đoàn rước cờ tinh tú đi từ Trai Cung sang Đàn Nam Giao.

Các quan tiến vào Đàn tế.

Các quan văn trang phục chỉnh tề, trang nghiêm, kính cẩn đứng chầu trước Đàn tế.

Đoàn tùy tùng hộ giá nhà vua tiến vào Đàn tế.

Trước Đàn tế và văn võ bá quan, nhà vua thay mặt muôn dân kính cáo cùng Trời Đất.

Nhà vua làm lễ dâng trầm.

Nhà vua mình khoác áo long cổn, đầu đội vương miện, tay cầm thẻ bài kính cẩn quỳ lạy trước Đàn tế.

Tiếng khánh đá điểm vang.

Bá quan văn võ cùng cúi rạp người quỳ lạy.

Lễ tế diễn ra trang nghiêm dưới tán rừng thông xanh trên Đàn Nam Giao.

Lễ vật dâng cúng có cỗ tam sinh gồm: lợn, dê, bò.

Sau khi nhà vua thực hiện lễ tế xong, quân lính và dân chúng mới được phép lên đàn dâng hương cầu khấn trời đất.

Đàn Nam Giao được xây dựng dưới triều Nguyễn vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía Nam của kinh thành Huế, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đàn Nam Giao gồm 3 tầng, tầng trên cùng là Viên Đàn, hình tròn, tượng trưng cho Trời; tầng tiếp theo là Phương Đàn, nhình vuông, tượng trưng cho Đất, tầng dưới cùng hình vuông tượng trưng cho con người.

Theo quan niệm “Vua là Thiên tử“ (con trời) nên chỉ có vua mới được quyền cúng tế trời đất (cha mẹ của vua), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tạ ơn trời đất. Lễ tế Giao đầu tiên dưới thời Nguyễn được tổ chức năm 1807 và từ đó trở đi được tổ chức vào mùa xuân hàng năm cho đến thời Thành Thái, vào năm 1907, thì đổi lại 3 năm một lần.

Công việc chuẩn bị được giao cho bộ Công và bộ Lễ, tiến hành hàng tháng trước khi tế, liên quan đến nhiều nghi lễ phức tạp, vật dụng tốn kém. Các quan và bản thân nhà vua cũng phải trai giới 3 ngày trước khi tế. Dưới thời Bảo Đại, thời gian trai giới rút xuống còn 1 ngày.

Ngày nay, Lễ tế Giao được phục dựng và trở thành một hoạt động văn hóa chính, tạo nên dấu ấn đặc biệt của mỗi kì Festival Huế./.
Bài và ảnh: Trần Thanh Giang

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/thanh-kinh-le-te-giao-32416.html


top