Tết Hoa mào gà hay còn gọi là Tết Hoa, theo tiếng của đồng bào Cống là Mền Loóng Phạt Ái. Đây là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Cống ở tỉnh Điện Biên, thường được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm, là dịp tri ân công đức tổ tiên, những người đầu tiên lập bản, thần linh thổ địa đã phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cùng cầu xin cho một năm mới an lành, no ấm.
Sở dĩ được gọi là Tết Hoa mào gà là bởi trong những ngày này người Cống chọn hoa mào gà để trang trí nhà cửa và làm lễ vật dâng cúng. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng.
Trước Tết một ngày, nhà nào nhà nấy đều lên nương hái những bông mào gà đẹp nhất mang về trang hoàng nhà cửa, đặc biệt đây là loài hoa duy nhất được cắm trên cây hoa dâng cúng thần linh, tổ tiên. Cây hoa được làm từ một cây tre hoặc nứa, trên có buộc những bông hoa mào gà, dưới gốc buộc hai ống rượu cần.
Người Cống lên nương chọn những bông hòa mào gà đẹp nhất dâng lên tổ tiêng trong dịp Tết.
Hoa mào gà là loại hoa không thể thiếu trong mỗi căn nhà của người Cống trong dịp Tết truyền thống.
Lễ vật dâng cúng thường có lợn, gà, vịt, rượu, cá, khoai sọ và hoa mào gà.
Hai ống rượu cần và những chiếc ống hút rượu được chuẩn bị để mời tổ tiên, thần linh.
Thày cúng làm lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết.
Phụ nữ Cống chuẩn bị những sợi chỉ dùng trong nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu may mắn.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu may năm mới.
Người Cống chuẩn bị rượu, thịt trong nhà để đón khách đến nhà chơi.
Sau những nghi thức tâm linh là tiếng chiêng, tiếng trống vui hội năm mới.
Uống rượu cần sau những thủ tục tâm linh trong lễ cúng Tết.
Cùng nhau múa điệu múa cầu mùa. |
Với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, Tết Hoa mào gà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2/2019. |
Tết Hoa diễn ra vào buổi chiều. Vào giờ đã định, dân bản kéo đến nhà thầy cúng để làm lễ cúng đón năm mới chung. Mâm lễ vật có lợn, gà, vịt, rượu, cá, khoai sọ… và không thể thiếu hoa mào gà loại hoa biểu tượng của năm mới. Khi giờ tốt đến, trong tiếng chiêng trống rộn rã, thầy cúng sẽ nhóm lửa đầu năm rồi kính cẩn khấn xin phép tổ chức Tết Hoa mừng năm mới. Các nghi thức cúng được tiến hành tại hai nơi là bàn thờ tổ tiên và gian bếp. Thày cúng sẽ đọc một đoạn khấn có nội dung trình báo với các thần linh, tổ tiên về mùa màng, sức khỏe của dân bản và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi người được như ý. Tiếp đến, mọi người sẽ làm lễ buộc chỉ cổ tay, cầu sức khỏe, cầu may. Ngoài lễ cúng chung, mỗi gia đình cũng làm lễ cúng riêng tại gia. Lễ này do những người đàn ông chủ nhà thực hiện.
Khi phần lễ kết thúc, mọi người lại cùng tập hợp tại sân bản để nâng chén rượu đầu năm rồi hòa mình vào các điệu múa truyền thống, trò chơi dân gian... Trong không khí hân hoan, cuộc vui càng lúc càng thêm sôi động và thường kéo dài đến tận nửa đêm.
Tết Hoa mào gà là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, làm cho thế hệ trẻ người Cống và các dân tộc anh em hiểu thêm được giá trị, công lao của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Bài và ảnh: Việt Cường
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tet-hoa-cua-nguoi-cong-222577.html